Điều khiển xe sử dụng còi không đúng quy định bị xử lý như thế nào?

15/12/2021
Điều khiển xe sử dụng còi không đúng quy định bị xử lý như thế nào? Quy định của pháp luật về việc sử dụng đèn chiếu xa như thế nào?
448
Views

Hiện nay một số xe ô tô, mô tô và các loại xe tương tự khác sử dụng còi hơi, còi không đúng thiết kế, bấm còi không đúng nơi quy định gây khiến người đi đường dễ giật mình bởi tiếng còi to chói tai dẫn đến tai nạn giao thông. Điều khiển xe sử dụng còi không đúng quy định bị xử lý như thế nào? Chế tài xử phạt cho những hành vi này ra sao? Để giải đáp thắc mắc trên, Luật sư 247 mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt

Luật Giao thông đường bộ năm 2008

Điều khiển xe sử dụng còi không đúng quy định bị xử lý như thế nào?

Tại khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: nghiêm cấm hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định đồng thời bị tịch thu còi vượt quá âm lượng.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe đồng thời bị tịch thu còi không đúng quy định.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng không có tác dụng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Vi phạm những quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.

Quy định của pháp luật về việc sử dụng đèn chiếu xa như thế nào?

Pháp luật đã có quy định cụ thể về hai trường hợp nghiêm cấm sử dụng đèn chiếu xa đó là:

  • Thứ nhất: Không được dùng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư

Theo đó, khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về vấn đề này như sau:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

Nếu không phải là xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật thì các phương tiện giao thông khác khi đi vào khu đô thị và khu đông dân cư sẽ không được dùng đèn pha để đi mà phải chuyển sang chế độ đèn chiếu sáng gần (đèn cốt).

  • Thứ hai: Không được dùng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều

Cụ thể, Khoản 3 Điều 17 Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ ràng như sau:

Điều 17. Tránh xe đi ngược chiều

3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Nếu gặp xe khác đi ngược chiều với mình thì người điều khiển xe cơ giới phải chuyển từ chế độ đèn pha sang đèn cốt để tránh gây khó khăn trong việc quan sát của người điều khiển xe đi ngược chiều và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Mức xử phạt lỗi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị khi điều khiển phương tiện là xe máy

Việc xe máy sử dụng đèn pha khi đi trong khu đô thị là một chuyện rất hay được bắt gặp. Đối với trường hợp này, điểm n Khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

n) Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

Người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng trong trường hợp này. Pháp luật không quy định thêm về mức xử phạt bổ sung cho nên lực lượng cảnh sát giao thông sẽ chỉ áp dụng mức xử phạt tiền đối với người vi phạm.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề ”Điều khiển xe sử dụng còi không đúng quy định bị xử lý như thế nào?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Tạm giữ giấy phép lái xe là gì?

Đây là hình thức xử phạt bổ sung. Nghĩa là trước đó, người vi phạm đã bị áp dụng hình thức phạt chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy vào mức độ

Đăng kiểm xe ô tô là gì?

Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không. Hiện nay, mỗi tỉnh thành phố đều có 1 hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Công việc đăng kiểm sẽ gồm việc kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn như có chỗ nào chưa tốt; chưa ổn cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác. Vì vậy các chủ phương tiện nên chú ý không để xe ô tô của mình hết hạn đăng kiểm.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Giao thông

Comments are closed.