Chấm dứt trước thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

29/12/2021
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực năm 2022
1113
Views

Trường giáo dưỡng là cơ sở giáo dục đặc biệt. Giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp duy nhất áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy cần phải có kỉ luật chặt chẽ và cách ly họ khỏi môi trường xã hội để giáo dục và cải tạo trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc áp dụng có thể chấm dứt trước thời hạn quy định. Vậy khi nào Chấm dứt trước thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng? Để được như vậy cần có điều kiện gì? Thủ tục thực hiện như thế nào? Hãy cùng Luật sư 247 làm rõ vấn đề này nhé.

Căn cứ pháp lý

Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Theo Bộ luật Hình sự 2015:

“Điều 96. Giáo dục tại trường giáo dưỡng

1. Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

2. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.”

Giáo dục tại trường giáo dưỡng được hiểu là biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

Biện pháp này buộc người phạm tội phải chịu sự quản lí chặt chẽ và cách li khỏi xã hội nhưng họ được học tập văn hoá và nghề nghiệp. Tại đây, họ rèn luyện và cải tạo lối sống trước đây của mình để trở thành công dân có ý thức pháp luật đầy đủ trong tương lai. Họ không bị giam giữ như trong trường hợp bị áp dụng hình phạt tù.

Biện pháp này có các đặc điểm sau:

+ Đối tượng áp dụng là dưới 18 tuổi phạm tội.

Thời điểm tính tuổi để áp dụng biện pháp này là tại lúc Tòa án xem xét ra quyết định.

+ Căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân và môi trường sống của họ.

Khi thấy môi trường cũ không có điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong gia đình có bố, mẹ, anh, chị hoặc em là người có tiền án hoặc người thường xuyên vi phạm pháp luật. Bạn bè của người dưới 18 tuổi có nhân thân không tốt, ảnh hưởng xấu đến lối sống của họ. Người dưới 18 tuổi không có chỗ học tập, lao động, sinh sống ổn định, lối sống không lành mạnh.

+Thẩm quyền, thủ tục áp dụng: căn cứ vào các điều kiện, Tòa án ra quyết định áp dụng

+ Thời hạn áp dụng: từ 01 năm đến 02 năm

+Về nghĩa vụ của người bị áp dụng:

Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ của mình. Về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường

Chấm dứt trước thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Điều kiện áp dụng

Theo Điều 154 Luật thi hành án hình sự 2019, để được chấm dứt trước thời hạn, đối tượng phải có các điều kiện:

-Đã chấp hành được một phần hai thời hạn

Thời hạn áp dụng thấp nhất với biện pháp này là 1 năm. Do đó tối thiểu người này phải học tập tại trường giáo dưỡng từ 6 tháng trở lên.

-Tích cực học tập, tu dưỡng và chấp hành tốt nội quy của nhà trường

Việc này được đánh giá qua các kết quả sinh hoạt, học tập tại trường. Có thể căn cứ vào sổ theo dõi, bằng khen, khen thưởng…. trong thời gian ở trường.

-Được hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án cấp huyện nơi có trường xem xét, quyết định

Thủ tục thực hiện

  • Đề nghị Tòa án xem xét, ra quyết định

Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường xem xét, quyết định chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

  • Tòa án ra quyết định

Sau khi nghiên cứu xem xét các tài liệu thấy đối tượng đủ điều kiện, Tòa án ra quyết định chấm dứt trước thời hạn áp dụng biện pháp.

  • Gửi quyết định

Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định đó cho học sinh, trường giáo dưỡng, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, người đại diện của học sinh.

Ngay sau khi nhận được quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải làm thủ tục cho học sinh ra trường.

Thủ tục cho học sinh ra trường

Thủ tục cho học sinh ra trường thực hiện theo Điều 156 Luật thi hành án dân sự 2019. Theo đó

Thông báo cho nơi cư trú và gia đình của người bị áp dụng

Hai tháng trước khi học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và gia đình họ biết ngày ra trường.

Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cho học sinh ra trường và gửi giấy chứng nhận này cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

Nghĩa vụ, hỗ trợ đối với học sinh ra trường

Học sinh khi ra trường phải trả lại đồ dùng được trường cho mượn.

Được nhận lại tiền, giấy tờ có giá, tài sản và đồ vật gửi trường quản lý, các chứng chỉ học văn hóa, học nghề.

Được cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú.

Trường hợp hết thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà học sinh vẫn chưa tiến bộ thì Hiệu trưởng phải có bản nhận xét riêng và kiến nghị các biện pháp giáo dục tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú.

Đối với học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không rõ cha, mẹ, nơi cư trú thì trường có trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trường để đề nghị giúp đỡ, sắp xếp chỗ ăn, ở và tạo việc làm, học tập.

Đối với học sinh dưới 16 tuổi hoặc bị ốm đau, bệnh tật đến ngày được ra trường mà không có thân nhân đến đón thì trường giáo dưỡng phải cử người đưa về giao cho gia đình hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra trường, học sinh đã chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải trình báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi về cư trú.

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Chấm dứt trước thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Biện pháp tư pháp là gì?

Biện pháp tư pháp là biện pháp cưỡng chế của nhà nước được quy định trong luật hình sự. Đây là biện pháp bổ sung cho hệ thống hình phạt với mục đích thay thế hoặc hỗ trợ hình phạt. Giáo dục tại trường giáo dưỡng là một biện pháp tư pháp áp dụng với người dưới 18 tuổi.

11 tuổi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa?

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự tối thiểu là 14 tuổi. Do đó người 11 tuổi dù thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn không bị coi là người phạm tội. Do đó họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng phạm là gì?

Theo Điều 17 Bộ luật hình sự 2015:
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.