Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân phạm tội

30/12/2021
Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân phạm tội
793
Views

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội là một trong những điểm mới đáng chú ý của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Bên cạnh các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì còn có các biện pháp tư pháp được áp dụng để thay thế cho hình phạt. Vậy Biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội như thế nào? Gồm các biện pháp gì? Khi nào thì bị áp dụng? Hãy cùng Luật sư 247 làm rõ vấn đề này nhé.

Căn cứ pháp lý

Pháp nhân thương mại là gì?

Theo điều 74 Bộ luật dân sự 2015 pháp nhân có thể được hiểu là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, hoạt động chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật.

Một tổ chức muốn có tư cách pháp nhân thì bắt buộc phải có đủ các điều kiện:

  • Thành lập hợp pháp
  • Có cơ cấu tổ chức
  • Tài sản phải độc lập với pháp nhân, cá nhân khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản
  • Tham gia quan hệ pháp luật độc lập theo đúng quy định.

Vậy thế nào là pháp nhân thương mại?

Căn cứ 75 Bộ luật dân sự 2015 thì:

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận đạt được sẽ được chia cho các thành viên.

Các pháp nhân thương mại có thể tổn tại dưới các tên gọi khác nhau. Chúng đều chung một mục đích hoạt động kinh doanh là kiếm lợi nhuận. Song khi thành lập sẽ được thành lập theo hồ sơ, trình tự thủ tục khác nhau.

Pháp nhân thương mại phạm tội?

Theo Bộ luật hình sự (BLHS)2015 thì Pháp nhân thương mại cũng là chủ thể thực hiện tội phạm.

Tuy nhiên pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi có các điều kiện:

“1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.”

Do đó, khi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng phải có đủ các điều kiện trên thì mới bị coi là thực hiện tội phạm. Ngoài ra tội mà họ vi phạm phải được quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự.

Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân phạm tội

Biện pháp tư pháp là biện pháp cưỡng chế về hình sự của Nhà nước ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt, do pháp luật hình sự quy định và được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể áp dụng đối với người phạm tội nhằm hạn quyền, tự do của người đó, hoặc hỗ trợ hay thay thế cho hình phạt.

Biện pháp tư pháp không chỉ áp dụng với cá nhân mà còn với cả pháp nhân.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp tư pháp thuộc về Tòa án. Căn cứ vào các quy định pháp luật, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cho phù hợp.

Theo Điều 82 BLHS, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp sau:

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Biện pháp trên được quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Theo đó

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.”

Ví dụ: Doanh nghiệp sử dụng xe công ty để vận chuyển hàng hóa buôn lậu. Chiếc xe này được dùng vào việc phạm tội nên sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi

Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự:

1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra.

Biện pháp này rất thường thấy trong lĩnh vực ô nhiểm môi trường. Nhiều doanh nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Do đó khi quyết định hình phạt, tòa án thường yêu cầu pháp nhân phải khôi phục lại tình trạng môi trường khi chưa ô nhiễm.

Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Theo Khoản 3 Điều 82 Bộ luật hình sự:

Căn cứ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm:

a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN)Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;

d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

đ) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

e) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân phạm tội?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Tội phạm là gì?

Theo Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Đồng phạm là gì?

Theo Điều 17 Bộ luật hính sự:
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.