Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng không?

19/08/2022
Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng?
711
Views

Xin chào Luật sư 247, tôi mới đi làm căn cước công dân, tôi có thắc mắc rằng đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng không? Nếu có, thủ tục thực hiện sẽ như thế nào? Mong được Luật sư 247 giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư 247. Tại bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn.

Căn cứ pháp lý

Những thông tin thể hiện trên sổ đỏ

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, những thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được thể hiện tại trang 1 của sổ đỏ, bao gồm:

  • Thông tin cá nhân người sử dụng đất (họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú);
  • Trường hợp là hộ gia đình sử dụng đất thì ghi các thông tin của chủ hộ (họ tên, năm sinh, CMND, địa chỉ thường trú của hộ gia đình);
  • Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó;
  • Tổ chức trong nước thì ghi tên tổ chức; tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân; địa chỉ trụ sở chính của tổ chức;
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thì ghi tên tổ chức kinh tế là pháp nhân thực hiện dự án đầu tư; tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân ;địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tại Việt Nam;
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao thì ghi tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức;
  • Cơ sở tôn giáo thì ghi tên của cơ sở tôn giáo và địa chỉ nơi có cơ sở tôn giáo;
  • Cộng đồng dân cư thì ghi tên của cộng đồng dân cư và địa chỉ nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư.

Đính chính sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Việc đính chính là sửa lại thông tin bị sai sót trên thông tin thửa đất hoặc của chủ sở hữu. Tuy vậy, không phải trường hợp sai sót nào cũng được đính chính.

Các trường hợp bắt buộc phải đính chính sổ đỏ, số hồng được pháp luật quy định cụ thể.

Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng?
Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng?

Theo Khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2013 về đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp:

“1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:

a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người;

b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.”

Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng không?

Theo Điểm g Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 23/2014 sửa đổi tại Thông tư số 33/2017, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên, xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số CMND, số thẻ CCCD, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu.

Căn cứ theo quy định trên, người dân hoàn toàn có quyền điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận cho đúng với số thẻ CCCD mới của mình. Tuy nhiên, pháp luật không bắt buộc phải điều chỉnh. Chưa kể, các cá nhân, tổ chức có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để xem các thông tin như số CMND cũ, họ tên của người được cấp. Khi người dân đến Văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng mua bán đất, nhân viên công chứng sẽ quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip để xác định số CMND trên Giấy chứng nhận và số trên CCCD gắn chip là của một người. Vì thế mà người dân không cần thiết phải điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc.

Thủ tục xác nhận thay đổi số CMND trên sổ đỏ, sổ hồng.

Trong trường hợp vẫn có nhu cầu xác nhận thay đổi số CMND, CCCD trên Giấy chứng nhận, bạn thực hiện như hướng dẫn dưới đây.

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK;
  • Bản gốc sổ đỏ đã cấp;
  • Bản sao thẻ CCCD mới và Giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc thay đổi CMND;
  • Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu (nếu chưa thay đổi thông tin số CMND trong sổ hộ khẩu thì phải thực hiện trước khi xác nhận thay đổi số CMND trên Giấy chứng nhận).

Bước 2. Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Với địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ tiếp tục thực hiện việc xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Bước 3. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận việc thay đổi số CMND vào trang 3 hoặc trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp.

Lệ phí đính chính thông tin trên sổ đỏ là bao nhiêu?

Căn cứ Thông tư 85/2019/TT-BTC, khoản chi phí thực hiện đính chính thông tin trên sổ đỏ là khoản lệ phí được quy định bởi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (lệ phí về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

Khi thực hiện đính chính Giấy chứng nhận, người sử dụng đất phát sinh lệ phí cụ thể là: Lệ phí đăng ký biến động (thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận) hoặc Lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận (trong trường hợp người sử dụng đất có yêu cầu đổi từ Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 3 Điều 86 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

– Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.

Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.

– Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:

Mức thu tối đa không quá 500.000 đồng/giấy.

Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho tổ chức chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy.

Trường hợp cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận: Mức thu tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp.

Mời bạn xem thêm:

Thông tin liên hệ với Luật sư 247

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung “Đổi từ CMND sang CCCD có phải đính chính sổ đỏ, sổ hồng?” . Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến dịch vụ: trích lục hộ tịch trực tuyến, dịch vụ hợp thức hóa lãnh sự, sổ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký tạo chữ ký số, token, chữ ký điện tử, tra cứu thông tin quy hoạch, …của luật sư 247, hãy liên hệ  0833102102.

Câu hỏi thường gặp

Người dân có thể thay đổi những thông tin gì trên sổ đỏ?

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Sổ đỏ, sổ hồng là tên gọi khác của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp đổi lại sổ đỏ, sổ hồng là bao lâu?

Căn cứ khoản 40 điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP; Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày;

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Đất đai

Comments are closed.