Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa là gì?

10/08/2022
Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa
832
Views

Ngày nay, khi mua bất cứ các sản phẩm nào, người tiêu dùng luôn lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng có hạn sản xuất và những điều đó chỉ có thể có trên nhãn hàng hóa. Những nội dung ghi trên nhãn mác của các sản phẩm đều được pháp luật quy định rất rõ ràng phải ghi những gì trên đó để người tiêu dùng tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi mua. Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Luật sư 247 để hiểu và nắm rõ được những quy định về “Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa” có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.

Căn cứ pháp lý

Khái niệm ghi nhãn hàng hóa

Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

Nhãn hàng hóa bao gồm:

– Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

– Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa 

Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa;

d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

– Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm tại Phụ lục I hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

– Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế thì việc thể hiện những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

Xuất xứ và thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa

Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa
Xuất xứ và thông tin cảnh báo được in trên hàng hóa

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm ghi xuất xứ hàng hóa (nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa) theo quy định về xuất xứ hàng hóa hoặc Hiệp định mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Nghị định quy định thông số kỹ thuật và thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của pháp luật (nếu có).

Hàng điện, điện tử, máy móc, thiết bị phải ghi thông số kỹ thuật. Hàng thuốc dùng cho người, vắc xin phải ghi chỉ định, cách dùng, chống chỉ định, số đăng ký lưu hành, dạng bào chế, quy cách đóng gói,…

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra về nhãn hàng hóa tại địa phương.

Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo

– Thông số kỹ thuật và dung sai của thông số này (nếu có), thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp không có quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định thông số kỹ thuật, dung sai và thông tin cảnh báo. Thông tin cảnh báo ghi trên nhãn bằng chữ, bằng hình ảnh hoặc bằng các ký hiệu theo thông lệ quốc tế và quy định liên quan.

Giá trị khoảng dung sai được thể hiện trên nhãn phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì không được ghi theo hướng tạo lợi thế cho chính hàng hóa đó.

– Hàng điện, điện tử, máy móc, thiết bị phải ghi các thông số kỹ thuật cơ bản.

– Thuốc dùng cho người, vắc xin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học phải ghi:

a) Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định của thuốc (nếu có);

b) Số giấy đăng ký lưu hành thuốc, số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất, dạng bào chế, quy cách đóng gói;

c) Các dấu hiệu cần lưu ý cho từng loại thuốc theo quy định hiện hành.

– Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật phải ghi:

a) Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định của thuốc (nếu có);

b) Số đăng ký, số lô sản xuất, dạng bào chế, quy cách đóng gói;

c) Các dấu hiệu cần lưu ý cho từng loại thuốc theo quy định hiện hành.

– Đối với thực phẩm ghi giá trị dinh dưỡng thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thể hiện giá trị dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa bảo đảm thể hiện khoảng giá trị dinh dưỡng tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì ghi giá trị trung bình của khoảng giá trị dinh dưỡng.

– Thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp của hàng hóa thuộc loại đặc biệt có sử dụng chất bảo quản mà đã quy định liều lượng sử dụng và xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại đối với người, động vật và môi trường phải ghi tên chất bảo quản kèm theo các thành phần này.

– Hàng hóa hoặc thành phần của hàng hóa đã chiếu xạ, đã áp dụng kỹ thuật biến đổi gen ghi theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo của hàng hóa có cách ghi khác với quy định tại Điều này thì ghi theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan.

Nội dung nhãn hàng hóa bị thiếu thông tin sẽ bị xử phạt như nào?

Nhãn hàng hóa thì phải có đầy đủ nội dung như quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) và phụ lục kèm theo văn bản này

Nếu nhãn in thiếu thông tin thì bắt buộc phải hủy in nhãn mới theo đúng quy định pháp luật.

Nếu dán tem/decal và vẫn để nhãn hàng hóa thiếu thông tin thì sẽ phải chịu rủi ro bị phạt hành chính theo Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP; khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Không bổ sung thông tin bị thiếu sẽ bị phạt như thế nào?

Hiện tại pháp luật Việt Nam không cho phép tem hay nhãn nào khác thay thế hoặc bổ sung nhãn hàng hóa. Khi nào do kích thước hàng hóa mà không ghi hết vào nhãn thì mới được bổ sung tài liệu kèm theo.

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:

+ Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;

+ Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

– Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

+ Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Thông tin liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa”. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp, Giấy phép sàn thương mại điện tử, xin hợp pháp hóa lãnh sự ở Hà Nội, dịch vụ công chứng tại nhà của chúng tôi… Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư 247 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Để được tư vấn cũng như trả lời những thắc mắc của khách hàng trong và ngoài nước thông qua web Luatsux.vn, lsx.vn, web nước ngoài Lsxlawfirm,…

Liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Thành phần định lượng ghi trên nhãn?

– Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.
Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định này.
– Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
Trường hợp thành phần hàng hóa được định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.
– Đối với một số loại hàng hóa, việc ghi thành phần, thành phần định lượng được quy định như sau:
a) Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.
Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu thì phải ghi tên nhóm hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”;
b) Đối với thuốc dùng cho người, vắc xin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất;
c) Đối với mỹ phẩm phải ghi thành phần bao gồm cả các chất phụ gia;
d) Đối với đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi tên thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hóa và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.
– Thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa có cách ghi khác với quy định tại khoản 3 Điều này quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này.

Ai có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa?

Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022) quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, cụ thể như sau:
– Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
– Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
– Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.