Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông năm 2022

12/07/2022
Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông
335
Views

Kinh doanh dịch vụ viễn thông là một trong những ngành kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV của  Luật Đầu tư 2020. Đây là  là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi bao gồm các dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng. Hiện nay, nếu muốn kinh doanh dịch vụ viễn thông thì nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy những điều kiện đó là gì? Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ pháp lý

Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông

Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều kiện đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật viễn thông năm 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP và Nghị định 81/2016/NĐ-CP hoạt động đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư.

– Hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông và pháp luật về đầu tư.

+ Trường hợp đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Trường hợp đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được phép liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam.

+ Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải bảo đảm các điều kiện sau:

  • Phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch tài nguyên viễn thông; quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn đầu tư;
  • Đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư để thiết lập mạng viễn thông: cố định mặt đất, di động mặt đất, cố định vệ tinh và di động vệ tinh theo quy định của pháp luật hiện hành

– Tỷ lệ phần vốn góp của bên nước ngoài phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư lần đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải thực hiện các quy định sau đây:

+ Có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

  • Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
  • Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên phải thực hiện thủ tục thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
  • Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng phải thực hiện thủ tục thẩm tra, chấp thuận chủ trương đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài các nội dung thẩm tra theo quy định pháp luật về đầu tư, đối với dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông cần thẩm tra thêm các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.

– Hồ sơ dự án đầu tư, quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông cần quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đăng ký đầu tư phải gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông phải thực hiện các quy định sau đây:

  • Làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư đã có;
  • Xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Luật viễn thông hiện hành

– Doanh nghiệp Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông phải thực hiện các quy định sau đây:

  •  Đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Luật viễn thông hiện hành và không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư.

– Hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông ra nước ngoài phải theo các quy định của pháp luật về đầu tư của Việt Nam và nước tiếp nhận đầu tư.

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

Căn cứ theo Điều 36 Luật viễn thông năm 2009 để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thì doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện theo quy định sau đây:

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;

b) Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;

c) Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;

d) Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.

2. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông
Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông

Điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông

Căn cứ theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư trong dịch vụ viễn thông như sau:

Đối với vốn pháp định và mức cam kết đầu tư để thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất

– Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:

  • Thiết lập mạng trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Vốn pháp định: 5 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 15 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép;
  • Thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 2 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 30 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 100 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép;
  • Thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 100 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.

– Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:

  • Thiết lập mạng trong phạm vi khu vực (từ 15 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 100 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép;
  • Thiết lập mạng trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Vốn pháp định: 300 tỷ đồng Việt Nam; mức cam kết đầu tư: Ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.

Đối với vốn pháp định và mức cam kết đầu tư để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất

– Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng kênh tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:

  • Vốn pháp định: 20 tỷ đồng Việt Nam;
  • Mức cam kết đầu tư: Ít nhất 60 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép.

– Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo) phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:

  • Vốn pháp định: 300 tỷ đồng Việt Nam;
  • Mức cam kết đầu tư: Ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.

– Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư như sau:

  • Vốn pháp định: 500 tỷ đồng Việt Nam;
  • Mức cam kết đầu tư: Ít nhất 2.500 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên và ít nhất 7.500 tỷ đồng Việt Nam trong 15 năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép.

Đối với vốn pháp định và mức cam kết đầu tư để thiết lập mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh

Doanh nghiệp đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và cam kết đầu tư như sau:

  • Vốn pháp định: 30 tỷ đồng Việt Nam;
  • Mức cam kết đầu tư: Ít nhất 100 tỷ đồng Việt Nam trong 3 năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép.

Liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư 247 liên quan đến Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về cách nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, tờ khai đăng ký lại khai sinh, các thủ tục thành lập công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh;…quý khách hàng vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102 để được nhận tư vấn.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Có được gia hạn hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông không?

Theo khoản 4 Điều 24 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông muốn gia hạn giấy phép phải gửi 3 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ;
– Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị gia hạn giấy phép theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; báo cáo việc thực hiện giấy phép;
– Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; thẩm định và quyết định gia hạn hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định gia hạn giấy phép trong thời hạn 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp đề nghị gia hạn biết.

Doanh nghiệp được ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông khi nào?

Theo Điều 16 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Điều kiện ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như sau:
1. Doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;
b) Thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;
b) Được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định này;
c) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ nhưng không chấm dứt hoạt động phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, hoặc chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác, hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ;
d) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động thì phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng.

Hồ sơ đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm những giấy tờ gì?

Hồ sơ đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
– Đơn đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;
– Báo cáo tình hình kinh doanh đối với dịch vụ dự kiến ngừng kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, số người sử dụng dịch vụ;
– Biện pháp và cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và các bên có liên quan;
– Phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp, biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong trường hợp ngừng kinh doanh do chấm dứt hoạt động.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Doanh nghiệp

Comments are closed.