Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự

16/05/2022
Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự
619
Views

Đơn khởi kiện vụ án dân sự là đơn được lập ra bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức và gửi tới Tòa án nhân dân để khởi kiện về một việc nào đó. Đơn khởi kiện được viết theo Mẫu số 23-DS kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Mời bạn xem bài viết dưới đây để biết được hình thức và nội dung của Đơn khởi kiện vụ án  dân sự? Hướng dẫn cách điền Đơn khởi kiện vụ án dân sự? Thủ tục khởi kiện dân sự được thực hiện như thế nào?

Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự

  • Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”.
  • Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự không có giá ngạch được tính theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
  • Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm 2 tháng. Thời hạn mở phiên tòa là 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng.

Hồ sơ khởi kiện dân sự

Hồ sơ khởi kiện tại tòa án bao gồm:

– Đơn khởi kiện (theo mẫu số 23-DS Đơn khởi kiện Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP)

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: hồ sơ nhà đất, hợp đồng vay nợ, giấy vay nợ, di chúc…);

– Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;

– Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân;

– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);

* Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự
Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự

Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

– Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:

  • Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
  • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
  • Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

–  Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

– Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  •  Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
  • Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
  •  Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  •  Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

– Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự

Xem và tải xuống nội dung Mẫu Đơn khởi kiện dân sự

Hướng dẫn điền mẫu đơn khởi kiện dân sự

(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện 

Ví dụ: Thành phố Hà Nội, ngày….. tháng ….. năm……

(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; 

+ Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân  dân huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào và địa chỉ của Toà án đó.

   Ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B 

+ Nếu là  Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào 

và địa chỉ của Toà án đó 

   Ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên

(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi họ và tên; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên cơ quan,  tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.

(4) + Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú 

        Ví dụ: Nguyễn Văn A, trú tại thôn B, xã C,  huyện M, tỉnh H; 

    + Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó 

        Ví  dụ: Công ty TNHH A có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H.

(5), (7) và (9) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).

(6), (8) và (10) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4). 

(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. 

(12) và (13) Ghi họ và tên, địa chỉ nơi người làm chứng cư trú (thôn, xã, huyện, tỉnh), nếu là nơi làm việc, thì ghi  địa chỉ nơi người đó làm việc.

 Ví dụ: Nguyễn Văn A, công tác tại Công ty B, trụ sở làm việc tại số …phố…quận…TP  Hà Nội

(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu gì và phải đánh số thứ tự 

Ví dụ: các tài  liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, … 

(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án 

Ví dụ: Người khởi kiện  thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…

(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; nếu là cơ quan tổ  chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình  và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của luatsu247.net  liên quan đến Biểu mẫu đơn khởi kiện dân sự.Quý khách hàng muốn tư vấn thêm về các thủ tục đăng ký tạm trú, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền, thành lập công ty nhanh, hồ sơ thành lập công ty, điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân… Vui lòng liên hệ 0833102102 để được nhận tư vấn.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Ai có quyền nộp đơn khởi kiện dân sự?

Căn cứ theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Ngoài ra, người khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Có thể nộp đơn khởi kiện dân sự nhiều người được không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về phạm vi khởi kiện thì:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.


Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật nhưng phải có liên quan với nhau để giải quyết và phải là trong cùng một vụ án.

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Biểu mẫu

Comments are closed.