Thưa luật sư, tôi có vài thắc mắc cần tư vấn. Gần đây, người thân của tôi liên tục có người lạ lui ra lui vào trong nhà. Khi tôi tò mò hỏi ra thì hóa ra họ đều là người Trung Quốc ở nhờ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ dường như đều nhập cảnh trái phép, không giấy tờ. Đối với vài trường hợp, thậm chí người thân tôi còn giúp xuất cảnh người sang Trung Quốc. Mục đích ở đây là để họ “ăn hoa hồng” khi xuất nhập cảnh những người khác thành công. Dường như đây là cách kiếm tiền rất dễ dàng.
Như luật sư cũng biết, Trung Quốc rất gần Việt Nam. Không thiếu các con đường mòn lối mở để mọi người tìm cách xuất nhập cảnh “chui”. Dù đã biết trước hậu quả nhưng không thiếu những người vẫn làm vậy. Khi tôi cảnh báo người thân thì lại nhận được câu trả lời rất vô lo vô nghĩ. Họ nói rằng xuất nhập cảnh chui cùng lắm là bị phạt tiền.
Vậy xin luật sư hãy giải đáp tường tận giúp tôi. Giúp cho người khác xuất nhập cảnh trái phép có đi tù không?
Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện và tình huống của mình. Hãy cùng Luật sư X giải đáp câu hỏi này nhé!
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
- Công văn 1557/VKSTC
Nội dung tư vấn
Xuất, nhập cảnh là gì?
Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Nhập cảnh là việc công dân từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Tổ chức người khác xuất nhập cảnh trái phép có đi tù không?
Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định như sau:
Khung 1
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khung 2
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
Khung 4
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép
Đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép
Việc người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không ảnh hưởng đến việc định tội đối với người tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ
Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.
Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Ví dụ
Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.
Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab. C biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS)
Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,…) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài…; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,…).
Ví dụ
Ví dụ 1: A biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc.
Ví dụ 2: C có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập Công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,…) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.
Mời các bạn xem thêm:
- Công an có hành vi vòi tiền nhân dân thì phạm tội gì?
- Đặt cống bê tông giữa đường không có cảnh báo phạm tội gì?
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội?
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư X về câu hỏi trên. Hi vọng độc giả đã trả lời được câu hỏi: Tổ chức người khác xuất nhập cảnh trái phép có đi tù không?
Mọi thắc mắc xin liên hệ: 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.
Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,… thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính.
VKSND tối cao