Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?

26/08/2022
Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?
502
Views

Xin chào Luật sư 247. Em là sinh viên ngành Luật và đang có tìm hiểu về cơ cấu, hoạt động của các chức danh trong hệ thống Toà án nhân dân tối cao. Em có thắc mắc rằng tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán là gì? Tiêu chuẩn đối với từng ngạch Thẩm phán ra sao? Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức? Mong được Luật sư giải đáp, em xin chân thành cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư 247. Tại bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn.

Căn cứ pháp lý

Quy định pháp luật về chức danh thẩm phán

Thẩm phán Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ượng, Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện bao gồm Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thẩm phán Toà án quân sự các cấp bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu bao gồm Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Toà án quân sự khu vực.

Công dân Việt Nam trung thành với tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian làm công tác thực tiễn, có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của pháp luật, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán.

Thẩm phán làm nhiệm vụ theo sự phân công của chánh án. Khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào và phải chịu trách nhiệm về công việc của mình.

Tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán

Tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán bao gồm tiêu chuẩn chung áp dụng đối với mọi ngạch thẩm phán và tiêu chuẩn riêng áp dụng đối với từng ngạch thẩm phán. Các tiêu chuẩn chung để trở thành thẩm phán bao (Theo Điều 67 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014) gồm:

– Các tiêu chuẩn về nhân thân – đạo đức: là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần bảo vệ công lí, liêm khiết, trung thực, có sức khỏe.

– Các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn: có trình độ chuyên môn luật trở lên, đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử, tức là có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn pháp luật.

Tiêu chuẩn với từng ngạch thẩm phán

Các tiêu chuẩn riêng đối với từng ngạch thẩm phán chủ yếu thể hiện sự khác biệt về thâm niên và năng lực (Theo khoản 1-5 Điều 68, khoản 1 Điều 69 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014), bao gồm:

– Đối với thẩm phán sơ cấp phải có thâm niên công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp.

Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?
Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?

– Đối với thẩm phán trung cấp phải có thâm niên thẩm phán sơ cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc kinh nghiệm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán trung cấp.

– Đối với thẩm phán cao cấp phải có thâm niên thẩm phán trung cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án dân dân các cấp hoặc tòa án quân sự trung ương, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cao cấp.

– Đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có thâm niên thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên và có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.

Có thể thấy, nhìn chung điều kiện trở thành thẩm phán chú trọng nhiều tới trình độ chuyên môn, cụ thể là thâm niên làm thẩm phán trước đó. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, điều kiện này không phải là tuyệt đối. Trong trường hợp cần thiết có thể tuyển chọn người chưa có thâm niên thẩm phán song có thâm niên công tác pháp luật. Thậm chí trong trường hợp cần thiết liên quan tới bố trí chức vụ lãnh đạo của bất kì tòa án nào hoặc để bổ nhiệm chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ứng viên thẩm phán thậm chí không cần có thâm niên công tác pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao ra sao?

Căn cứ, Điều 21 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao như sau:

“1. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm:

a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

b) Bộ máy giúp việc;

c) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

2. Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động.”

Như vậy, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao bao gồm Hội đồng Thẩm phán; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Công chức, viên chức và người lao động.

Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?

Căn cứ Điều 7 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định về công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân như sau:

“1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

2. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án các tòa chuyên trách; Thẩm định Tòa án nhân dân cấp tỉnh; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, phòng, ban và Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện; thư ký tòa án; người làm việc trong tòa án nhân dân cấp huyện.”

Như vậy, căn cứ quy định trên thì Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao là công chức.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề; “Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là cán bộ hay công chức?”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến giải thể công ty; thủ tục chia nhà đất sau ly hôn, giấy phép bay flycam; xác nhận độc thân, Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, …. của luật sư 247, hãy liên hệ: 0833 102 102.

Hoặc qua các kênh sau:

Câu hỏi thường gặp

Thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân tối cao như thế nào?

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao là giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực mà bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; bên cạnh đó còn giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác đảm bảo thống nhất pháp luật trong xét xử

Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, trung cấp hoặc cao cấp như thế nào?

Để trở thành thẩm phán sơ cấp, trung cấp hoặc cao cấp, trước tiên ứng viên phải vượt qua kì thi tuyển tương ứng do Hội đồng thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp 1 tổ chức. Sau khi đỗ kì thi này, ứng viên có thể được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chọn để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán tương ứng. Chủ tịch nước kí quyết định bổ nhiệm nếu đồng ý với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao như thế nào?

Để trở thành thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ứng viên phải được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia (Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 1 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án tòa án quân sự trung ương, các chánh án Tòa án dân dân các cấp, 1 đại diện của lãnh đạo ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Chủ tịch hội đồng này. (theo khoản 1 Điều 70 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014) chọn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề cử lên Quốc hội. Sau khi Quốc hội phê chuẩn đề cử của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.