Làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không?

13/09/2022
Làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không?
831
Views

Xin chào Luật sư 247. Tôi có thắc mắc liên quan đến tiêu chuẩn tuyển chọn công chức cấp xã, mong được Luật sư giải đáp. Tôi đã tốt nghiệp cao đẳng, chuyên ngành kỹ thuật trắc địa và muốn trở thành địa chính cấp xã. Vậy luật sư cho tôi hỏi rằng làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không? Có phải hiện nay, toàn bộ công chức cấp xã phải có bằng đại học có đúng không? Mong được Luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư 247. Tại bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn.

Căn cứ pháp lý

  • Thông tư 04/2022/TT-BNV

Tiêu chuẩn công chức cấp xã

Điều 3 Nghị định 112/20211/NĐ-CP quy định công chức cấp xã phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung tại điều này và các quy định về tiêu chuẩn cụ thể như sau:

– Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

– Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

– Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Trình độ tin học: Được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.

Toàn bộ công chức cấp xã phải có bằng đại học có đúng không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định các chức danh công chức cấp xã bao gồm:

+ Công chức Trưởng Công an xã;

+ Công chức Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;

+ Công chức Văn phòng – Thống kê;

+ Công chức Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

+ Công chức Tài chính – kế toán;

+ Công chức Tư pháp – hộ tịch;

+ Công chức Văn hóa – xã hội.

Làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không?
Làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không?

Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV, được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 04/2022/TT-BNV (hiệu lực từ ngày 23/05/2022) quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công chức cấp xã, cụ thể như sau:

Một là, độ tuổi phải đủ từ 18 tuổi trở lên;

Hai là, về trình độ giáo dục phổ thông:  Phải tốt nghiệp trung học phổ thông;

Ba là, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: 

+ Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (ví dụ công chức hộ tịch thì điều kiện xét tuyển là có bằng trung cấp trở lên theo quy định của Luật Hộ tịch 2014…);

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã ở các khu vực: Miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

Bốn là, về trình độ tin học: Được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT;

Như vậy theo quy định pháp luật trên, từ ngày 23/05/2022, công chức cấp xã phải có trình độ đại học trở lên tùy thuộc từng chức danh công chức. Tuy nhiên, ở các xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với yêu cầu của từng vị trí (với tiêu chuẩn thấp nhất là trung cấp); Hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định khác (pháp luật chuyên ngành có quy định khác).

03 trường hợp công chức cấp xã không bắt buộc có bằng đại học

Công chức cấp xã thuộc các trường hợp sau chưa cần/không cần có bằng đại học chuyên ngành phù hợp:

(1) Công chức xã làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà UBND tỉnh quy định trình độ chuyên môn từ trung cấp đến cao đẳng.

(2) Công chức tại các xã/thị trấn không thuộc trường hợp (1), được tuyển dụng trước ngày 25/12/2019 mà chưa có bằng đại học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã.

Pháp luật quy định trường hợp này bởi theo Thông tư 13/2019/TT-BNV thì các đối tượng này có thời hạn 05 năm kể từ ngày 25/12/2019 để đáp ứng điều kiện về chuẩn trình độ chuyên môn.

(3) Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện nay, tại khoản 2 Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 quy định công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã phải có các tiêu chuẩn sau đây:

– Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch;

– Có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.

Như vậy, đối với chức danh công chức  tư pháp – hộ tịch, hiện nay chỉ yêu cầu có trình độ từ trung cấp luật trở lên mà không bắt buộc phải có bằng đại học.

Nhiệm vụ của công chức Địa chính xã là gì?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNV nhiệm vụ của công chức Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã) như sau:

a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực: Đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học, công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

Tổ chức vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường trên địa bàn;

Tham gia giám sát về kỹ thuật các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã;

Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra để xác minh nguồn gốc, hiện trạng đăng ký và sử dụng đất đai, tình trạng tranh chấp đất đai và biến động về đất đai trên địa bàn; xây dựng các hồ sơ, văn bản về đất đai và việc cấp phép cải tạo, xây dựng các công trình và nhà ở trên địa bàn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

Có thể bạn quan tâm:

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật Sư 247 về vấn đề Làm công chức địa chính xã có cần bằng Đại học không?. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và logo; Bảo hộ logo độc quyền; thành lập công ty; hợp pháp hóa lãnh sự;  công văn tạm ngừng kinh doanh; xin giấy phép bay Flycam, Tư vấn đặt cọc đất …. hãy liên hệ: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Quy định pháp luật về công chức như thế nào?

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ; chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh; cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan; hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp; công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công chức địa chính cấp xã có những quyền gì?

Theo quy định tại Mục 2 Chương II Luật Cán bộ, công chức 2008 thì công chức sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:
– Được hưởng các quyền lợi đảo bảo về lương, phụ cấp và các khoản ưu đãi nếu có theo quy định của pháp luật;
– Được hưởng các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc thực thi công vụ, nhiệm vụ

Quyền hạn của công chức địa chính cấp xã khi giải quyết tranh chấp đất đai?

Theo khoản 2 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ; tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất; quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường; thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân; Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp; thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.