Nghị quyết 68 của Chính phủ đã đề ra các biện pháp hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh; và rất được người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, một số người vẫn đặt ra câu hỏi; liệu không có giấy phép kinh doanh có được nhận hỗ trợ khó khăn? Phòng tư vấn pháp lý của Luật sư X xin thông tin tới bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
Nghị quyết 68/2021/NQ-CP;
Quyết định 3642/2021/QĐ-UBND
Nội dung tư vấn
Tình huống
Chào Luật sư,
Tôi có vấn đề muốn xin tư vấn từ luật sư. Tôi kinh doanh tự do (cụ thể là bán sắt vụn) trên địa bàn Hà Nội, do dịch Covid-19; thành phố giãn cách dài ngày nên không thể buôn bán. Tôi đã xin hỗ trợ nhưng không được giải quyết vì không có giấy phép kinh doanh. Vậy, tôi cần làm thủ tục gì để được nhận trợ cấp?
Mong luật sư phản hồi!
Không có giấy phép kinh doanh có được nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19 không?
Tại sao trường hợp của bạn không nhận được hỗ trợ?
Căn cứ Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì hộ kinh doanh muốn nhận hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo như trường hợp của bạn; là hộ kinh doanh sắt vụn không có đăng kí kinh doanh; thì bạn không đủ điều kiện nhận hỗ trợ Covid-19 dành cho hộ kinh doanh.
Bạn có thể xin trợ cấp gì?
Xét trường hợp của bạn là người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội; căn cứ theo Quyết định số 3642/2021/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội; bạn có thể cân nhắc gói hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; quy định đối tượng như sau:
Đối tượng hỗ trợ: người lao động (theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Việc làm) làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vục bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Như vậy, bạn có thể được nhận hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do).
Điều kiện để nhận hỗ trợ là đáp ứng đủ các điều sau:
- Cư trú hợp pháp;
- Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
Mức hỗ trợ đối với trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) là 1.500.000 đồng/người/lần.
Người lao động sẽ được chi trả trực tiếp trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Thủ tục nhận hỗ trợ
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người lao động đủ điều kiện lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng, hồ sơ gồm có:
- Giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 01 theo mẫu.
- Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường, thị trấn cấp.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ
Trong 06 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
- Thành lập Hội đồng xét duyệt (sau đây gọi tắt là Hội đồng);
- Hội đồng cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
- Ủy ban nhân dân cấp xã công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố (nếu có), trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn (nếu có) trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện (kèm theo biên bản họp Hội đồng)..
- Ủy ban nhân dân cấp huyện giao phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ trong 02 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận giải ngân
Sau khi ban hành Quyết định, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức chi trả cho người lao động trong thời gian 02 ngày làm việc.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của Luật sư X: 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp
Thời gian người lao động gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất là ngày 31/01/2022.
Hội đồng xét duyệt gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã – Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách Văn hóa xã hội – Phó Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm: công chức Lao động – Thương binh và Xã hội, công chức tư pháp hộ tịch, lãnh đạo MTTQ, Trưởng Công an; Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn, cảnh sát khu vực.
Phần tiền hỗ trợ có thể thông qua hình thứ tiền mặt hoặc hình thức khác tùy theo tình hình từng địa phương; nhưng phải đảm bảo sự thuận tiện cho người lao động; và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh.