Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội năm 2023

05/01/2023
Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội
213
Views

Nhà ở xã hội là nhà ở dành cho những đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước chẳng hạn như những người có thu nhập thấp, người có công với cách mạng, cán bộ, công chức,… Khác với những loại nhà ở khác, để được mua bán chuyển nhượng nhà ở xã hội thì người dân cần đáp ứng các điều kiện và tiêu chí theo luật định. Nhiều độc giả thắc mắc không biết theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện nay, mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội là mẫu nào? Mua nhà ở xã hội bao lâu thì được phép chuyển nhượng? Thủ tục chuyển nhượng nhà ở xã hội thực hiện như thế nào? Sau đây, Luật sư 247 sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên và chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ mua nhà ở xã hội trong bài viết dưới đây. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Khái niệm nhà ở xã hội

Khoản 3 Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ:

Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho những đối tượng được hưởng các chính sách về hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật nhà ở xã hội, quy định theo từng loại nhà cụ thể.

Loại hình nhà ở này được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như: công chức của Nhà nước, người chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp… Nhà ở xã hội được bán, cho thuê với mức giá rẻ hơn so với thị trường.

Mua nhà ở xã hội bao lâu thì được phép chuyển nhượng?

  • Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
  • Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP cũng quy định người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua;

Người mua, thuê mua chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó;

Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội
Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội

Trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép chuyển nhượng lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm hoàn tất thanh toán toàn bộ tiền mua, thuê mua nhà ở đó. Trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật.

Đối tượng nào được mua bán, nhận chuyển nhượng nhà ở xã hội?

Căn cứ theo quy định Điều 51 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng sau đây được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:

Nhóm đối tượng 1: 

  • Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
  • Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
  • Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Đối với trường hợp này, đối tượng phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập theo các quy định sau:

  • Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
  • Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
  • Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
  • Thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Thuộc các đối tượng không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định Luật Nhà ở.

Nhóm đối tượng 2:

Chủ thể phải đáp ứng điều kiện theo quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu về nhà ở tương ứng của cơ quan nhà ở có thẩm quyền.

Chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau:

  • Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
  • Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
  • Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

Nhóm đối tượng 3:

Chủ thể là người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị thì phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, cư trú theo quy định sau đây:

  • Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;
  • Có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.

Mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội năm 2023

Bạn có thể tham khảo và Tải về mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội năm 2023 tại đây:

Các khoản thuế phí phải nộp khi chuyển nhượng nhà ở xã hội

Như đã nói ở trên, hai bên tiến hành chuyển nhượng nhà ở xã hội thì phải hoàn thành một số khoản thuế, phí theo quy định của pháp luật:

  • Thuế thu nhập cá nhân: 2% x giá chuyển nhượng
  • Lệ phí trước bạ: 0,5% x giá chuyển nhượng

Ngoài ra, Nghị định 188/2013 cũng quy định, kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho người khác thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó (đối với nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng nhà ở). Giá bán tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán lại nhà ở.

Thủ tục chuyển nhượng nhà ở xã hội như thế nào?

Theo quy định tại Điều 33 Thông tư 19/2016/TT-BXD ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Bộ xây dựng thì thủ tục được thực hiện như sau:

Bước 1. Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà đất.

Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội do hai bên ký kết được lập thành 06 bản (03 bản để bàn giao cho chủ đầu tư lưu, 01 bản nộp cho cơ quan thuế, 01 bản bên chuyển nhượng hợp đồng lưu, 01 bản bên nhận chuyển nhượng hợp đồng lưu); trường hợp văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải thực hiện công chứng, chứng thực thì có thêm 01 bản để lưu tại cơ quan công chứng, chứng thực.

Bước 2. Công chứng, chứng thực văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà đất.

Các giấy tờ bên bán cần phải chuẩn bị:

  • Bản gốc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân (của vợ và chồng hoặc những người đồng sở bất động sản hữu khác).
  • Bản gốc hộ khẩu thường trú (của vợ và chồng hoặc những người đồng sở hữu khác).
  • Bản gốc giấy đăng ký kết hôn (nếu bên sở hữu là vợ và chồng).
  • Bản gốc sổ hồng nhà đất đang giao dịch.

Các giấy tờ bên mua cần phải chuẩn bị:

  • Bản gốc chứng minh nhân dân/căn cước công dân của bên mua
  • Bản gốc hộ khẩu thường trú (Trường hợp người mua đã có vợ hoặc chồng thì có thể đứng tên cả hai hoặc một trong hai người).

Có được chuyển nhượng nhà ở xã hội khi chưa đủ 05 năm không?

Theo Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014, khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong trường hợp chưa đến thời hạn 05 năm nhưng bên mua, thuê mua có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở;
  • Chỉ được bán lại cho một trong các đối tượng sau:
  • Đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó: bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách);
  • Đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Lưu ý: Khoản 12 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định việc bán lại nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án hoặc cho đối tượng khác thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở 2014 và các quy định sau:

  • Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án thì người bán lại phải thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư. Giá bán lại tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
  • Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho đối tượng khác thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người bán lại phải thực hiện thủ tục chuyển hợp đồng mua bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư cho người mua lại thuộc diện được mua nhà ở xã hội và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
  • Người mua lại nhà ở xã hội phải có các giấy tờ xác nhận về đối tượng và điều kiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định 49/2021/NĐ-CP và liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư dự án để nộp hồ sơ đề nghị mua nhà theo quy định tại Điều 20 Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Thông tin liên hệ

Vấn đề “Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở xã hội” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư 247 luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là tư vấn pháp lý về Chuyển đất nông nghiệp sang đất sổ đỏ vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102. Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Câu hỏi thường gặp

Sau khi mua nhà ở xã hội bao lâu sẽ được bán?

Theo quy định, sau thời hạn 05 năm kể từ khi đóng đủ tiền mua và được cấp Giấy chứng nhận, chủ sở hữu nhà ở xã hội sẽ được bán nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường hoặc cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội.

Mua bán nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm bị xử lý thế nào?

Theo quy định, nếu mua bán nhà ở xã hội không đúng quy định, khi chưa đủ thời hạn cho phép thì:
– Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội không có giá trị pháp lý.
– Bên mua phải bàn giao lại nhà ở xã hội đó cho đơn vị quản lý. Nếu không thực hiện bàn giao thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở sẽ tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở.

Người thu nhập thấp, hộ nghèo muốn mua nhà ở xã hội cần có giấy tờ gì chứng minh đủ điều kiện mua bán?

Theo quy định, người thu nhập thấp, hộ nghèo muốn mua nhà ở xã hội cần có xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ 01 năm trở lên nếu có thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.