Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?

25/08/2022
555
Views

Xin chào luật sư. Tôi nghe nói hiện nay công dân sẽ phải sử dụng số định danh cá nhân trong một số giao dịch dân sự và thủ tục hành chính? Vậy xin hỏi số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh? Tôi có thể xin cấp số định danh sau khi đã làm giấy khai sinh được không? Thủ tục thực hiện như thế nào? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Mã số định danh có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với công dân vì nó là một trong các yếu tố để xác định một cá nhân. Mỗi người sẽ có một mã số định danh khác nhau và được sử dụng khi tham gia các giao dịch dân sự hay các thủ tục hành chính. Do đó việc cần phải có số định danh cá nhân là rất cấp thiết. Vậy số định danh cá nhân là gì? Thủ tục cấp số định danh cá nhân như thế nào? Số định danh cá nhân có thể sử dụng thay thế căn cước công dân hay không? Để tìm hiểu rõ hơn về các quy định này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?”. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Số định danh cá nhân là gì?

Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 bắt đầu có hiệu lực. Việc quản lý về cư trú của công dân sẽ dựa trên số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế dần cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy. Vậy số định danh cá nhân là gì?

Theo Điều 12 Luật Căn cước công dân quy định:

“1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

2. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác”.

Như vậy, có thể hiểu số định danh cá nhân là dãy số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Số định danh cá nhân là một dãy số gồm 12 số được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu từ quốc gia về dân cư, từ đó có thể biết được thông tin của một công dân nào đó và mã số định danh cá nhân của mỗi công dân chỉ được cấp 1 mã số mà không bị trùng lặp với bất cứ ai.

– Về cấu trúc của số định danh cá nhân, Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân quy định: “Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên”.

Các mã số trong số định danh cá nhân được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 59/2021/TT-BCA. Cụ thể như sau:

a) Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh (được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 59/2021/TT-BCA)

b) Mã các quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh( được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 59/2021/TT-BCA).

c) Mã thế kỷ sinh, mã giới tính: Là số tương ứng với giới tính và thế kỷ công dân được sinh ra được áp dụng như sau:

Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;

Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;

Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;

Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;

Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.

d) Mã năm sinh: Thể hiện hai số cuối năm sinh của công dân

Các mã số trong số định danh cá nhân được bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước

Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?

Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?
Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?

Căn cứ Khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Như vậy, theo quy định trên thì khi bạn làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì số định danh sẽ cấp sau khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Tuy nhiên trong trường hợp bạn đã đăng ký khai sinh rồi nhưng chưa có mã số định danh thì vẫn có thể làm thủ tục xin cấp mã số định danh.

Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh

Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. Theo đó người dân cần thực hiện các công việc sau:

– Công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân theo quy định thì khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm thu thập, chuyển các thông tin về công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an; trong đó ít nhất phải có các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP và các thông tin dưới đây để cấp số định danh cá nhân:

a) Nơi thường trú;

b) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ.

Trong đó các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP bao gồm:

a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

b) Ngày, tháng, năm sinh;

c) Giới tính;

d) Nơi đăng ký khai sinh;

đ) Quê quán;

e) Dân tộc;

g) Quốc tịch;

h) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.

– Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.

Không có giấy chứng sinh, cũng không có xác nhận của người làm chứng thì làm xin cấp mã định danh thế nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Theo đó, trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh, bạn có thể liên hệ UBND xã để được hướng dẫn viết giấy cam đoan về việc sinh này.

Xác lập lại số định danh cá nhân trong trường hợp nào?

Theo Điều 6 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định việc xác lập lại số định danh cá nhân thực hiện như sau:

– Trường hợp xác lập lại số định danh cá nhân do công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú yêu cầu công dân đó cung cấp giấy tờ, tài liệu hộ tịch chứng minh việc đã được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh để kiểm tra, xác minh, bổ sung vào hồ sơ quản lý và gửi yêu cầu đề nghị xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

– Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân. Sau khi quyết định xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an phải cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

– Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú gửi thông báo bằng văn bản cho công dân về số định danh cá nhân mới được xác lập lại.

– Cơ quan Công an tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân mới được xác lập lại trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc cấp Căn cước công dân theo quy định.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Số định danh cá nhân cấp trước hay sau khi làm thủ tục khai sinh?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về cách nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân online hoặc muốn tham khảo quy trình phát hành hóa đơn điện tử cũng như các vấn đề pháp lý khác của chúng tôi, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Số định danh cá nhân có thể dùng thay cho mã số thuế cá nhân không?

Theo Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019, khi số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì các cơ quan chức năng sẽ sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân.
Do đó trong trường hợp bạn đã có số định danh cá nhân thì cơ quan thuế sẽ dử dụng nó thay cho mã số thuế cá nhân của bạn.

Số định danh cá nhân bị hủy khi nào?

Theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định:
“Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.”
Do đó số định danh cá nhân sẽ bị hủy khi trường hợp có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người vị sai sót sẽ được cấp lại số định danh cá nhân mới.

Chưa có căn cước công dân thì dùng mã số định danh thay thế được không?

Người dân có thể dùng số định danh cá nhân để làm giấy tờ thay thế, trong thời gian đợi trả thẻ Căn cước công dân gắn chip. Theo Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ: Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân thì công dân yêu cầu công an cấp xã, nơi đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.
Vì vậy, nếu người dân vẫn chưa có Căn cước công dân thì có thể dùng mã số định danh cá nhân khi chưa có Căn cước công dân cho một số thủ tục dân sự hoặc hành chính khi có yêu cầu của địa phương.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.