Hộ khẩu chuẩn bị hết thời thì công dân cần làm gì?

30/07/2022
495
Views

Xin chào luật sư. Theo tôi được biết sang năm 2023 thì sổ hộ khẩu sẽ không còn được sử dụng. Vậy cho hỏi để tránh các rắc rối xảy ra thì công dân cần phải làm những gì? Khi làm căn cước công dân có cần về quê để lấy số định danh cá nhân? Làm căn cước công dân tại nơi tạm trú được không? Mong luật sư giải đáp.

Từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Những sổ đã được cấp cho công dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31.12.2022. Nhà nước hiện đang đẩy nhanh việc triển khai việc cập nhật thông tin công dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay thế cho việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Vậy công dân cần làm gì khi sổ hộ khẩu chuẩn bị “hết thời”? Nếu không sử dụng hộ khẩu thì thông tin về cá nhân sẽ được lấy từ đâu? Các thắc mắc về việc làm căn cước công dân và số định danh cá nhân như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Hộ khẩu chuẩn bị hết thời thì công dân cần làm gì?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Sổ hộ khẩu là gì?

Sổ hộ khẩu là một trong các giấy tờ pháp lý vô cùng quan trọng đối với bất cứ công dân nào.

Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Theo đó, sổ hộ khẩu chính là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam. Sổ hộ khẩu cũng là căn cứ để nhà nước phân định thẩm quyền xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan tới cá nhân đó.

Trong sổ hộ khẩu có các thông tin về chủ hộ và các thành viên khác cùng hộ khẩu. Có thể kể đến như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, mối quan hệ với chủ hộ,… Theo đó, sổ hộ khẩu thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.

Sổ hộ khẩu còn được coi là một loại giấy tờ quan trọng để thực hiện các giao dịch dân sự. Chẳng hạn như để thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất, sổ hộ khẩu là một giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lí trong trường hợp nhận thừa kế. Nó còn đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, đăng kí thường trú, tạm trú, chuyển tách hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, xóa hay xác nhận đăng kí thường trú… Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh, đăng kí kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc,… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.

Hộ khẩu chuẩn bị hết hạn sử dụng thì công dân cần làm gì?

Hộ khẩu chuẩn bị hết thời thì công dân cần làm gì?
Hộ khẩu chuẩn bị hết thời thì công dân cần làm gì?

Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, từ ngày 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng. Những sổ đã được cấp cho công dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31.12.2022.

Để không gặp phải khó khăn khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng, công dân cần làm ngay những điều này:

Cập nhật thông tin cá nhân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định:

” … Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.”

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân:

“Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Tại Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu…

Như vậy, nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31.12.2022.

Những thông tin trên Cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực từ ngày 1.1.2023.

Lấy số định danh cá nhân, làm căn cước công dân mới

Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Căn cước công dân quy định số định danh cá nhân như sau:

Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Do đó, nếu công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân 9 số, tức là chưa biết số định danh cá nhân sẽ rất khó khăn trong việc xin xác nhận thông tin về cư trú.

Mọi công dân đến độ tuổi làm Căn cước công dân nhưng chưa đi làm thì cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng.

Làm căn cước công dân gắn chíp có cần về quê lấy số định danh cá nhân

Số định danh cá nhân được cấp cho công dân kể từ khi làm giấy khai sinh. Theo đó với những cá nhân chưa đủ tuổi làm căn cước công dân sẽ sử dụng số định danh cá nhân để tích hợp thông tin nhân thân.

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định về thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:

“1. Số căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân;

Các trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”

Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước công dân như sau:

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện như sau:

a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.

Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;

c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;

d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

đ) Trả thẻ căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.”

Như vậy, việc làm thủ tục xin cấp căn cước công dân không yêu cầu công dân phải lấy số định danh cá nhân.

Có được làm căn cước công dân tại nới tạm trú?

Tại Điều 10 Thông tư số 59/2021/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 quy định rằng “Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”. Quy định này tạo sự thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân so với trước đây. Do đó, khi có nhu cầu cấp, đổi, cấp lại CCCD, bạn có thể thực hiện tại cơ quan Công an nơi tạm trú của bạn.

Theo Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:

“Điều 26. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

1. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

2. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

4. Cơ quan quản lý Căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.”

Như vậy, bạn có thể trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân nơi bạn tạm trú để cấp thẻ Căn cước công dân.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Hộ khẩu chuẩn bị hết thời thì công dân cần làm gì?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam; hoặc muốn sử dụng dịch vụ xác nhận tình trạng hôn nhân của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Sổ hộ khẩu bị thu hồi có làm căn cước công dân gắn chíp được không?

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021 của Bộ Công an nêu rõ, sau khi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip của công dân, cán bộ tiếp nhận tiến hành tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Trong trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Trường hợp thông tin công dân có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Như vậy, trường hợp sổ hộ khẩu đã bị thu hồi nhưng thông tin đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thì công dân vẫn có thể làm CCCD gắn chip mà không gặp trở ngại.

Chưa đủ tuổi làm thẻ căn cước thì lấy số định danh cá nhân như thế nào?

Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên nếu chưa có căn cước, công dân vẫn lấy được số định danh cá nhân.
Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Không có nơi thường trú có làm được Căn cước công dân?

Khi làm CCCD gắn chip, công dân phải điền Tờ khai làm CCCD. Trong Tờ khai này, thông tin nơi thường trú là thông tin bắt buộc, công dân phải khai theo Sổ hộ khẩu.
Trên mẫu thẻ CCCD gắn chip quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BCA, thông tin về nơi thường trú cũng là thông tin phải có.
Vì thế, nếu công dân không có nơi thường trú chưa thể cấp CCCD trong thời gian này.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.