Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

15/01/2022
Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào? Cấu thành tội phạm của tội mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
887
Views

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hành vi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên trong thực tế đã xuất hiện một số đường dây chuyên tổ chức mang thai hộ để kiếm tiền. Vậy tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư X mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu như thế nào?

Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, có thể hiểu:

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

Hình phạt chính

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Áp dụng hình phạt đối với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Áp dụng hình phạt đối với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thuộc các trường hợp dưới đây:

  • Đối với 02 người trở lên;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Việc quyết định hình phạt khi phạm tội mang thai hộ vì mục đích thương mại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không chỉ các trường hợp theo quy định trên.

Điển hình như việc người phạm tội có hay không những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ tội phạm theo quy định tại Điều 51, Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cấu thành tội phạm của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Chủ thể tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, đó có thể là bất kỳ người nào đạt độ tuổi luật định (từ đủ 14 tuổi trở lên) và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Khách thể tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ.

Mặt chủ quan tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi phạm tội biết rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi này.

Dấu hiệu mục đích là cấu thành tội phạm bắt buộc của loại tội phạm này. Mục đích của người phạm tội phải là mục đích thương mại, nhằm thu lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác cho bản thân.

Mặt khách quan tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức mang thai hộ.

Hành vi tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ.

Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại. Trong chuỗi các hành vi của việc tổ chức mang thai hộ thì hậu quả của hành vi này là việc những người tham gia đạt được mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tổ chức.

Cấu thành tội phạm đối với tội tổ chức mang thai hộ là cấu thành hình thức. Hậu quả là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm hình sự, chứ không được xem là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người tổ chức.

Khi xem xét để định tội danh, cần phải xem xét kỹ các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Nếu không có đủ các yếu tố trên sẽ không phải chịu các hình phạt được quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều này đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 10/2015/NĐ- CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10). Khi cặp vợ chồng sau một năm chung sống, có quan hệ tình dục trung bình 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai thì có thể được coi là vô sinh (Khoản 2, Điều 2, Nghị định 10). Cặp vợ chồng vô sinh muốn được nhờ mang thai hộ phải gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Quyền nhận cha mẹ được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.

Cha, mẹ không thừa nhận con thì xác định cha, mẹ, con như thế nào?

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.