Thủ tục làm lại bằng lái xe khi mất như thế nào?

21/12/2021
Thủ tục làm lại bằng lái xe khi mất như thế nào? Giấy phép lái xe là gì? Bằng lái xe B1 điều khiển được những loại xe nào?
615
Views

Người điều khiển xe máy, ô tô khi tham gia giao thông cần có Giấy phép lái xe. Nếu Giấy phép lái xe bị mất thì xin cấp lại thế nào là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây của Luật sư 247 sẽ hướng dẫn cho bạn thủ tục làm lại bằng lái xe khi mất như thế nào?

Căn cứ pháp lý

Luật Giao thông đường bộ năm 2008

Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.

Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.

Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).

Thủ tục làm lại bằng lái xe khi mất như thế nào?

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe

Theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe được chia thành 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Giấy phép lái xe bị mất còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng

Đối với trường hợp này, bạn sẽ không cần phải sát hạch lại lý thuyết hay thực hành cho nên bạn chỉ cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau đây:

  • Đơn xin cấp lại giấy phép lái xe (theo mẫu);
  • Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);
  • Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;
  • Bản sao giấy chứng minh, nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

Trường hợp 2: Giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên

Người có giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, ngoài việc phải nộp các hồ sơ như Trường hợp 1 thì sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung:

  • Quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết;
  • Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Người điều khiển phương tiện phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ dự sát hạch bao gồm:

  • Giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
  • Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
  • Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, thời gian cấp Giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật, người mất bằng lái xe đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để tiến hành thủ tục cấp lại bằng lái xe. Người lái xe gửi 01 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

Bước 3: Nộp lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe

Theo quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC thì lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe bị mất được quy định cụ thể như sau:

  • Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.
  • Phí sát hạch lái xe:

+ Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

+ Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

Bước 4: Nhận Giấy phép lái xe được cấp lại

Theo thời hạn trên giấy hẹn, người làm thủ tục đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để nhận Giấy phép lái xe được cấp lại.

Bằng lái xe B1 điều khiển được những loại xe gì?

Bằng B1 là loại bằng đơn đang rất thịnh hành, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu đi lại của con người ngày càng lớn. Với bất cứ ai muốn điều khiển phương tiện trên đường đều phải có bằng lái xe để không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Để đáp ứng những nhu cầu đó, Luật Giao thông đường bộ có quy định về giấy phép lái xe hạng B1 như sau:

Điều 59. Giấy phép lái xe

4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:

b) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 16 Thông tư 12/ 2017/TT-BGTVT quy định thêm về vấn đề này như sau:

Điều 16. Phân hạng giấy phép lái xe

5. Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

c) Ô tô dùng cho người khuyết tật.

6. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

Như vậy, đối với giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe số tự động đến 09 chỗ kể cả chỗ ngồi của người lái, oto tải, oto tải chuyên dùng số tự động máy kéo có trọng tải dưới 3500 kg, oto cho người khuyết tật. Còn  với bằng B1 không phải dạng tự động dành cho người không hành nghề điều khiển xe  đến 09 chỗ kể cả chỗ ngồi của người lái, oto tải, oto tải chuyên dùng có trọng tại dưới 3500 kg, máy kéo có trọng tải dưới 3500 kg. Nếu điều khiển các loại xe không thuộc các trường hợp được liệt kê trên đây sẽ coi là vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề ”Thủ tục làm lại bằng lái xe khi mất như thế nào?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Chở quá số người theo quy định bị phạt bao nhiêu tiền

Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
………
b, Chở theo từ 03 người trở lên trên xe;

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Giao thông

Comments are closed.