Hoàn thuế thu nhập cá nhân được áp dụng khi nào theo quy định?

15/10/2021
Hoàn thuế thu nhập cá nhân được áp dụng khi nào theo quy định?
542
Views

Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về nội dụng này. Tuy nhiên trên thực tế đây là một vấn đề khá phức tạp và còn gây nhiều thắc mắc cho người lao động. Xung quanh chủ đề này, chúng tôi nhận được rất nhiều các câu hỏi có liên quan. Cụ thể có câu hỏi như sau về việc Hoàn thuế thu nhập cá nhân được áp dụng khi nào theo quy định pháp luật:

“Chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Tôi có một câu hỏi như sau: Tôi nghe nói việc hoàn thuế thu nhập cá nhân đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên tới nay tôi vẫn chưa hiểu rõ việc hoàn thuế thu nhập cá nhân này sẽ được thực hiện khi nào với điều kiện gì và thủ tục ra sao? Mong được Luật Sư 247 giải đáp, tôi cảm ơn.”

Căn cứ pháp lý

Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007

Thông tư 111/2013/TT-BTC

Thông tư 92/2015/TT-BTC

Thông tư 156/2013/TT-BTC

Nghị quyết 954/2020/NQ-UBTVQH14

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác, cụ thể về thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN). Tuy nhiên, dựa trên các quy định của pháp luật được ghi nhận tại Luật thuế thu nhập cá nhân; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, có thể hiểu thuế TNCN như sau:

Thuế TNCN là thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh như có hồ sơ chứng minh người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh… Trên thực tế không phải ai cũng phải đóng loại thuế thu nhập cá nhân này và cũng sẽ có các trường hợp được hoàn lại thuế thu nhập cá nhân đã đóng.

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân

Quy định pháp luật về đối tượng phải nộp thuế

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012; đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm:

Điều 2. Đối tượng nộp thuế

1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam; và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch; hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú; hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Nhận định

Như vậy có thể hiểu cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam; đáp ứng các điều kiện sau:

– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch; hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú; hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra các cá nhân đã đóng thừa thuế có thể làm thủ tục hoàn lại thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập từ bao nhiêu tiền thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Nghị quyết 954/2020/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 và người nộp thuế thực hiện kê khai thuế; tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh mới.

Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng.

Mức giảm trừ cho người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Đối với các tháng từ tháng 1 đến tháng 6/2020, người lao động đã tạm nộp thuế TNCN theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) thì sẽ được xác định lại số thuế TNCN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 theo mức giảm trừ gia cảnh mới nêu trên khi quyết toán thuế TNCN năm 2020. Thời hạn quyết toán chậm nhất là đến cuối tháng 4.2020.

Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân (đã được sửa đổi, bổ sung) thì Thuế TNCN phải nộp bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.

Trong đó, thu nhập tính thuế bằng tổng thu nhập trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế; các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản bảo hiểm bắt buộc (nếu có); bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có); đóng quỹ hưu trí tự nguyện (nếu có) và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.

Như vậy, khi đã nâng mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân người nộp thuế; tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc; trong trường hợp thu nhập của cá nhân dưới 11 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không phải đóng thuế TNCN.

Kỳ tính thuế thu nhập cá nhân

1. Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được quy định như sau:

a) Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công;

b) Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng;

c) Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.

2. Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.

Hoàn thuế thu nhập cá nhân được áp dụng khi nào?

Theo khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007; cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau:

– Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp.

– Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế.

– Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện hoàn thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC, việc hoàn thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán.

Ngoài điều kiện có đăng ký mã số thuế thì phải có yêu cầu hoàn thuế, cụ thể:

– Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa; nộp thiếu của các cá nhân. Sau khi bù trừ; nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả.

– Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế; hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.

Như vậy, hoàn thuế thu nhập cá nhân không phải là thủ tục bắt buộc vì nếu có số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau; trường hợp cá nhân muốn hoàn thuế phải là trường hợp đã được cấp mã số thuế và có đề nghị hoàn thuế.

Thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân

Theo Điều 53 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC, thủ tục hoàn thuế được quy định như sau:

Trường hợp 1 về thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân

Trường hợp 1: Hoàn thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền quyết toán thuế

Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sau khi bù trừ số thuế nộp thừa; nộp thiếu của các cá nhân mà có số thuế nộp thừa; nếu đề nghị cơ quan thuế hoàn trả thì thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:

– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách Nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT.

– Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó.

Bước 2. Nộp hồ sơ hoàn thuế

Nơi nộp: Nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý

Trường hợp 2 về thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân

Trường hợp 2: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế

Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế nếu có số thuế nộp thừa thì cá nhân không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] – “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” hoặc chỉ tiêu [49] – “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế.

Lưu ý: Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Cổ đông nhận cổ tức có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Tra cứu mã số thuế cá nhân bằng thẻ căn cước

Thất nghiệp có được hoàn thuế thu nhập cá nhân đã đóng hay không?

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Hoàn thuế thu nhập cá nhân được áp dụng khi nào theo quy định?”. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Thuế thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công?

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012, thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công gồm:
– Tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công.
– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ 11 khoản trợ cấp, phụ cấp không tính thuế.
* Phương pháp tính thuế
– Phương pháp lũy tiến từng phần: Áp dụng đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên.
– Phương pháp khấu trừ tại nguồn trước khi trả thu nhập gồm: Khấu trừ 10%, khấu trừ 20%.

Quy định về thuế thu nhập cá nhân khi mua bán, chuyển nhượng đất đai

Trong giao dịch mua bán đất đai, ngoài việc thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì người bán đất phải chịu thêm nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch mua bán đất.
Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thu nhập chịu thuế theo quy định tại (điểm a khoản 5 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012).

Một cá nhân có thể có hai mã số thuế cá nhân không?

Theo quy định hiện nay mỗi cá nhân chỉ được cấp một mã số thuế duy nhất. Khi người có hai mã số thuế thì phải làm thủ tục cập nhật lại để còn một mã số thuế. Vì khi người có hai mã số thuế sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ thuế.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận