Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự

07/10/2022
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự
413
Views

Thi hành án dân sự giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng dân sự, được thực hiện bởi cơ quan thi hành án dân sự. Người phải thi hành án và các chủ chủ thể khác có liên quan sẽ phải chấp hành yêu cầu thực hiện của cơ quan này; chấp hành bản án, quyết định, phán quyết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện chấp hành thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng việc cưỡng chế thi hành án. Khi nào sẽ áp dụng cưỡng chế thi hành án dân sự? Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện như thế nào?

Căn cứ pháp lý

  • Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014

Cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào?

Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, dùng quyền lực của mình để đảm bảo việc thi hành trên thực tế quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quyết định, bản án được thi hành theo thủ tục thi hành án

Căn cứ theo Điều 9 Luật thi hành án dân sự năm 2008 Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.Trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định.

Bên cạnh đó, tại Điều 45, Điều 46 của Luật này còn quy định thêm là trong thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Hết thời hạn này mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Lưu ý: Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Như vậy, theo các quy định trên, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định.

Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp khác nếu có.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:

  • Bản án, quyết định;
  • Quyết định thi hành án;
  • Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự

Kế hoạch cưỡng chế thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 72 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 như sau:

– Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng.- Kế hoạch cưỡng chế thi hành án có các nội dung chính sau đây:

  • Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế;
  • Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;
  • Thời gian, địa điểm cưỡng chế;
  • Phương án tiến hành cưỡng chế;
  • Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế;
  • Dự trù chi phí cưỡng chế

Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của Chấp hành viên.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế.

Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.

Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự

Cưỡng chế thi hành án dân sự có phải mất phí không?

Căn cứ theo Điều 73 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định như sau:

“1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

b)Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;

c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

4. Chấp hành viên dự trù chi phí cưỡng chế và thông báo cho người phải thi hành án biết ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày cưỡng chế đã được ấn định, trừ trường hợp cần thiết phải cưỡng chế ngay. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

5. Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi tổ chức việc thi hành án thực hiện xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

6. Chi phí cưỡng chế thi hành án do đương sự nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Sau khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

7. Chính phủ quy định mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên không chỉ người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế mà cả người được thi hành án cũng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.

Liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư 247 về “Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự”. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm về giải thể công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền; các mẫu giấy tờ như mẫu trích lục bản án ly hôn, mẫu trích lục cải chính hộ tịch; các thủ tục về đất đai liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục làm sổ đỏ nhanh chóng, chuyển đất ao sang đất sổ đỏ hay muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh, dịch vụ công chứng tại nhà,…quý khách hàng vui lòng liên hệ đến hotline 0833 102 102 để được hỗ trợ và nhận tư vấn.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Cưỡng chế tài sản là tiền trong thi hành án dân sự như thế nào?

Việc cưỡng chế tài sản là tiền đối với người phải thi hành án dân sự được áp dụng như sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản
– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án
– Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ
– Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

Cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án dân sự khi nào?

Căn cứ theo Điều 107 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014
“1. Chấp hành viên cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án;
b) Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
2. Chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản. Quyết định ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký đối với tài sản đó và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản.Việc thực hiện giao dịch, chuyển giao quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đang khai thác phải được sự đồng ý của Chấp hành viên”.

Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện trong thi hành án dân sự thế nào?

Căn cứ theo Điều 119 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu.
Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Comments are closed.