Thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

16/08/2021
Thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm
567
Views

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc chủ doanh nghiệp có nguyện vọng tăng vốn điều lệ là điều rất bình thường. Có thể do họ muốn thu lại nhiều lợi nhuận hơn; hay muốn có nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào các ngành, nghề khác. Và hàng ngàn lý do khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm được pháp luật quan tâm. Do đó, thủ tục tăng vốn điều lệ cũng rất phức tạp. Vậy thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm như thế nào? Luật Sư 247 có nhận được câu hỏi như sau.

Chào Luật sư 247, tôi có thắc mắc như sau. Tôi có thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm năm 2017. Hiện tại tôi đang có nhu cầu mời một vài người bạn cùng nhau góp vốn vào công ty của mình. Tôi được biết là để được góp vốn thì phải được chấp thuận. Tuy nhiên tôi không nắm rõ việc thực hiện thủ tục này? Mong Luật Sư có thể giải đáp nhanh chóng giúp tôi. Xin cảm ơn Luật Sư.

Luật sư 247 xin tư vấn như sau:

Vốn điều lệ là gì?

Vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là tổng số tiền do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần và được ghi vào điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Có thể hiểu vốn điều lệ là khoản tiền mà các thành viên góp vào khi tạo lập công ty. Theo quy định, mức vốn điều lệ góp vào phải cao hơn mức vốn pháp định của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm. Bởi pháp luật quy định mức vốn pháp định tối thiểu cần phải góp khi thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.

Và tất nhiên trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tăng vốn điều lệ. Có thể do nhiều nguyên nhân, như kinh doanh lợi nhuận cao; mời thêm thành viên góp vốn; góp vốn đầu tư các dự án khác…

Hồ sơ cần chuẩn bị

Để thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp bảo hiểm cần chuẩn bị 02 loại hồ sơ. Thứ nhất là hồ sơ xin Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ. Sau khi được chấp thuận, cần nộp thêm một bộ hồ sơ thứ hai.

Hồ sơ xin chấp thuận

Hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc để tăng vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), vốn được cấp (đối với chi nhánh nước ngoài) bao gồm các tài liệu sau:

  • Văn bản đề nghị thay đổi vốn điều lệ; hoặc vốn được cấp theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
  • Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm); hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài); về việc tăng vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp). Trong đó nêu rõ số vốn tăng thêm, phương thức tăng vốn và thời gian thực hiện.
  • Phương án huy động và sử dụng vốn điều lệ hoặc vốn được cấp.
  • Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) dự kiến sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi tăng vốn; tài liệu chứng minh các cổ đông (hoặc thành viên) này đáp ứng điều kiện quy định (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp). Không cần nộp đối với các cổ đông (hoặc thành viên) đã sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trước khi tăng vốn và không áp dụng đối với trường hợp tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng.

Hồ sơ nộp sau khi chấp thuận

Sau khi được chấp thuận tăng vốn, doanh nghiệp bảo hiểm cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện việc tăng vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp) so với phương án tăng vốn đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
  • Xác nhận của ngân hàng về việc các cổ đông (hoặc thành viên) góp vốn đã nộp đủ số vốn tăng thêm; hoặc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã cấp đủ vốn tăng thêm cho chi nhánh nước ngoài vào tài khoản phong tỏa.
  • Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) dự kiến sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi tăng vốn; tài liệu chứng minh các cổ đông (hoặc thành viên) này đáp ứng điều kiện quy định (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp) đối với trường hợp tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng.

Thủ tục tăng vốn điều lệ

Bước 1: Nộp hồ sơ chấp thuận

Doanh nghiệp bảo hiểm nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ đến Bộ Tài chính.

Bước 2: Xem xét hồ sơ chấp thuận

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận về nguyên tắc. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phần ra công chúng; chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng; sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện phát hành.

Bước 3: Nộp hồ sơ sau khi được chấp thuận

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc đề nghị thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn được cấp, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoàn thành việc thay đổi vốn; và nộp Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ như trên.

Bước 4: Nhận kết quả

Trong 14 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc đề nghị thay đổi vốn điều lệ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện được phương án thay đổi mức vốn đã được chấp thuận thì phải báo cáo Bộ Tài chính phương án xử lý.

Câu hỏi thường gặp

Chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông của công ty bảo hiểm mà không được cho phép có bị phạt không?

Câu trả lời là có thể. Theo quy định của pháp luật, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp đối với cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp để cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ trở lên mà chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Cách thức thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm?

Có thể thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ theo hai cách thức như sau:
• Nộp hồ sơ trực tiếp đến Bộ Tài chính.
• Hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ của Bộ Tài chính

Lệ phí thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

Pháp luật quy định thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không cần phải nộp lệ phí làm thủ tục. Khi làm thủ tục cần lưu ý điều này.

Tự ý tăng vốn điều lệ có bị phạt hay không?

Câu trả lời là có. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi mức vốn điều lệ, vốn được cấp, nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833102102.

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Doanh nghiệp

Để lại một bình luận