Chào Luật sư, người quen của tôi vừa bị cơ quan công ăn đưa đi tạm giam để điều tra vì tội buôn bán hàng giả. Tôi muốn hỏi Luật sư, trong trường hợp này, bạn tôi sẽ bị tạm giam bao lâu? Cách tính thời gian tạm giam là như thế nào? Người bị tạm giam có bị hạn chế quyền gì không? Thực sự, tôi rất lo cho bạn tôi vì hành vi phạm tội do bạn tôi thực hiện không phải là do lỗi cố ý mà có sự xúi giục từ phía người khác. Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Sau đây, Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc của bạn như sau
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn
Khái niệm
- Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự; do cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo và trong trường hợp đặc biệt đối với người chưa bị khởi tố; nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm; không để cho bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện tội phạm; hoặc gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng như để đảm bảo cho việc thi hành án.
- Tạm giam là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; được quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự áp dụng; hạn chế tự do thân thể trong một thời gian nhất định đối với bị can, bị cáo khi có căn cứ do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định; nhằm ngăn chặn việc bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án.
Đối tượng của biện pháp tạm giam
- Trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn thì tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất. Điều đó thể hiện ở chỗ tạm giam cách ly đối tượng bị áp dụng ra khỏi đời sống xã hội trong một khoản thời gian tương đối dài.
- Người bị tạm giam còn bị hạn chế một số quyền công dân như quyền tự do đi lại; tuyên truyền tín ngưỡng; tôn giáo; trực tiếp tham gia các giao dịch dân sự,….
- Đối tượng của tạm giam là bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đã bị khởi tố về hình sự; quyết định khởi tố có phê chuẩn của viện kiểm sát; bị cáo là cá nhân hoặc pháp nhân bị tòa án quyết định đưa ra xét xử.
- Biện pháp tạm giam chỉ có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo là cá nhân. Vì biện pháp này chỉ có thể cách ly một cá nhân cụ thể ra khỏi xã hội trong một thời gian nhất định; hạn chế một số quyền của cá nhân đó.
Thời hạn tạm giam để điều tra
- Thời hạn tạm giam để điều tra là thời hạn tạm giam do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án.
- Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp; xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn căn thay đổi; hủy bỏ biện pháp tạm giam; thì cơ quan điều tra đề nghị gia hạn và chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát chậm nhất 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam để viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
- Thời hạn gia hạn tạm giam được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Thẩm quyền gia hạn tạm giam để điều tra
- VKSND cấp huyện, VKSND quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng; nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do cơ quan điều tra cấp tỉnh; cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý thì VKSND cấp tỉnh;
- VKS quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng; gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất đã hết mà chưa thể kết thúc điều tra; không có căn cứ thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam; thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Trường hợp vụ án do cơ quan điều tra Bộ công an, cơ quan điều tra bộ quốc phòng; cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý điều tra; thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao, VKS quận sự trung ương.
- Trường hợp cần thiết với tội phạm an ninh quốc gia; thì Viện trường VKSND tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
- Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạn an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam; thì Viện trưởng VKSND tối cao có quyền quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc điều tra.
- Trong thời gian tạm giam; nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải kịp thời gửi để nghị VKS hủy bỏ việc tạm giam; trả tự do cho người bị tạm giam; hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác.
Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp tạm giam
- Tạm giam góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; củng cố, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; thể hiện sự kiên quyết của nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bảo đảm trật tự xã hội; pháp luật giữ vững; chế độ xã hội chủ nghĩa được bảo vệ; quyền và lợi ích của công dân được tôn trọng.
- Đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt hiệu quả cao nhất. Đảm bảo sự chính xác, khách quan của hoạt động tố tụng; ngăn ngừa đối tượng tiếp tục thực hiện phạm tội hoặc tìm cách xóa dấu vết, chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
- Tạm giam thể hiện sự ưu việt của nhà nước ta. Đó là biện pháp bảo đảm cho mọi công dân được sống trong xã hội mà quyền và lợi ích của họ được tôn trọng; tránh được sự tấn công, xâm hại từ phía các đối tượng.
Có thể bạn quan tâm
- Căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật?
- Tạm giam được áp dụng khi nào?
- Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Thời gian tạm giam để điều tra theo quy định của pháp luật”. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc. Nếu có vấn đề pháp lý cần giải quyết, vui lòng liên hệ Luật sư 247: 0833102102.
Câu hỏi thường gặp
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.