Quản lý tiền ảo tại Việt Nam như thế nào?

13/05/2022
Quản lý tiền ảo tại Việt Nam
695
Views

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng tiền ảo là tiền được sử dụng trong các ví thanh toán điện tử, thẻ ngân hàng…Nhưng trên thực tế, tiền ảo không phải là “tiền điện tử”. Tiền điện tử là tiền có giá trị như tiền thật được lưu trữ dưới dạng điện tử để sử dụng làm phương tiện thanh toán với hai hình thức là thẻ ngân hàng và ví điện tử. Vậy tiền ảo là gì? quản lý tiền ảo tại Việt Nam như thế nào?

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 80/2016/NĐ-CP

Tiền ảo là gì?

– Tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số không được kiểm soát, ban hành bởi Chính phủ. Tiền ảo được tạo ra và quản lý bởi các nhà phát triển. Có thể hiểu đơn giản là tiền ảo là tiền không có thật và không tồn tại trên thực tế.

– Tiền ảo chỉ tồn tại ở dạng điện tử (hư cấu, không có thật) và không tồn tại ở dạng vật lý (nó không thể chuyển thành đồng tiền thật như là tiền trong thẻ ngân hàng). Loại tiền này chỉ có thể được lưu trữ và giao dịch thông qua các phần mềm được mặc định sẵn, các ứng dụng, trang web trên mạng,… và chỉ có thể di chuyển trên điện thoại, máy tính,…không thể thực hiện việc rút tiền như tiền trong thẻ ngân hàng được.

– Tiền ảo được chia làm 3 loại chính:

  • Tiền ảo đóng: hay còn gọi là tiền viễn tưởng. Đây là đơn vị tiền trong trong các thế giới viễn tưởng như game trực tuyến. Loại tiền ảo này không có sự liên hệ với nền kinh tế thực tế.
  • Tiền ảo dịch chuyển một chiều: Các dạng tiền ảo có thể mua bằng tiền thật nhưng không thể chuyển đổi theo hướng ngược lại. 
  • Tiền ảo phi tập trung: là các đơn vị tiền được tạo ra dựa trên các nền tảng không tập trung.

Tiền ảo được sử dụng như thế nào?

– Bởi vì tiền ảo không tồn tại dưới dạng vật lý tức là chúng không thể cầm, nắm được. Cho nên chúng chỉ được sử dụng trong môi trường điện tử. Và chỉ được sử dụng giới hạn trong một đơn vị nào đó. Ví dụ như các đồng xu trên shopee, lazada…

– Không có giá trị thực tế; không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; không được bảo lãnh bởi tiền mặt, vàng hay các tài sản có giá khác.

– Tiền ảo được sử dụng, chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng hoặc không chuyển nhượng được trong môi trường điện tử; tiền ảo được lưu trữ hoặc giao dịch giữa các thành viên trong một nhóm, một tổ chức hoặc một cộng đồng ảo nào đó cụ thể.

– Tiền ảo thường được sử dụng để thanh toán; mua đồ trong các ứng dụng, trò chơi điện tử; mỗi loại trò chơi, ứng dụng sẽ có quy định sử dụng riêng về các đồng tiền ảo. Ví dụ tiền ảo trong game bắn cá được sử dụng để mua đạn bắn, tiền xu trên shopee được sử dụng để đổi lấy mã giảm giá….

– Tính thanh toán của tiền ảo thường rất thấp và khó có thể dùng để trao đổi chỗ nhau hoặc đem ra ngoài môi trường điện tử để thanh toán các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ khác.

Quy định của pháp luật về quản lý tiền ảo tại Việt Nam

– Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý về quản lý tiền ảo nên cũng chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Trong các quy định hiện hành (bao gồm cả Bộ Luật Dân sự năm 2015). Việt Nam chưa có một quy định cụ thể về tài sản ảo. Tuy nhiên, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì các loại tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử.

– Dưới góc độ pháp luật, nước ta không thừa nhận tính pháp lý của các đồng tiền ảo. Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

– Theo Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của ngân hàng nhà nước. “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. 

Quản lý tiền ảo tại Việt Nam
Quản lý tiền ảo tại Việt Nam

Cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo tại Việt Nam

– Căn cứ theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP có quy định về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.”

Như vậy, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

– Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng:

“Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

– Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì từ 1/1/2018, Người nào thực hiện việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Ngoài ra, phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Ngân hàng nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo đến văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo:

“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự hiện hành. Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.”

Như vậy tại Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng, sử dụng như một phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề coi đồng tiền ảo và Bitcoin như một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán.

Liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của luatsu247.net  về Quản lý tiền ảo tại Việt Nam . Quý khách hàng muốn tư vấn thêm về các thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền, thành lập công ty uy tín, hồ sơ thành lập công ty, hồ sơ ly hôn… Vui lòng liên hệ 0833102102 để được nhận tư vấn.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp


Tại sao tiền ảo chưa được thừa nhận ở Việt Nam?

Tiền ảo cũng chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận bởi vì
+ Các giao dịch thương mại hay dân sự thanh toán bằng Bitcoin mang tính chất ẩn danh, chủ thể của quan hệ không xác định được danh tính và chủ thể của các bên quan hệ không biết rõ về nhau, mà chỉ thông qua mạng Internet.
+ Thuộc tính của Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, bị chiếm đoạt, bị thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch.
+ Không có cơ quan giám sát, không có cơ quan trung gian, quan hệ sử dụng Bitcoin tự do, tự phát theo một quy ước giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch không công khai. Giá trị Bitcoin biến động mạnh theo thời gian hoạt động ngắn nên ẩn chứa nhiều nguy cơ bong bóng và những rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch, bị thiệt hại về tài sản mà không được bảo vệ bằng các cơ chế pháp lý. Ngược lại, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào, nên chủ sở hữu Bitcoin phải tự chịu mọi rủi ro.

Tiền ảo có phải là tài sản không?

Theo Điều 105, Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản được quy định như sau:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Mặt khác, theo Điều 16, Luật Ngân hàng nhà nước 2010, thì đơn vị của tiền được quy định như sau:
Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”, một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.
Như vậy, dựa theo những quy định trên, có thể thấy Tiền ảo hoàn toàn không phù hợp với đơn vị tiền tệ hiện hành, cũng như không là Tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.