Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam theo pháp luật hiện hành

26/09/2021
Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam theo pháp luật hiện hành
616
Views

Nhiệm vụ quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam theo pháp luật hiện hành

Chào Luật sư, con trai tôi năm nay dự định thi vào khối trường công an chuyên ngành Cảnh sát biển. Từ nhỏ, cháu đã có ước mơ này. Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu, cảnh sát biển vừa là một ngành nghề cao cả nhưng cũng có nhiều khó khăn; thử thách. Vậy Luật sư cho tôi hỏi: Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam theo pháp luật hiện hành như thế nào? Hi vọng Luật sư giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Luật sư 247 xin phép giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ pháp lý

Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018

Quyết định số 1069/QĐ-BQP

Nội dung tư vấn

Cảnh sát biển là gì?

Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập ngày 28/8/1998 theo Quyết định số 1069/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Cảnh sát biển (tiền thân của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam).

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018

“Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.”

Như vậy, Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trên biển. Đây là lực lượng được rèn luyện tinh nhuệ nhằm thực thi pháp luật quốc gia.

Chức năng của cảnh sát biển là gì?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018

Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng như sau:

  • Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia; trật tự; an toàn trên biển;
  • Bảo vệ chủ quyền; quyền chủ quyền; quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;
  • Quản lý về an ninh; trật tự; an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam

Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt; có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, pháp luật quy định chặt chẽ về các nhiệm vụ của Cản sát biển Việt Nam tại điều 8 Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018. Cụ thể:

  • Thu thập thông tin; phân tích; đánh giá; dự báo tình hình để đề xuất chủ trương; giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển. Thêm vào đó, nghiên cứu; phân tích; dự báo; tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách; pháp luật về bảo vệ chủ quyền; quyền chủ quyền; quyền tài phán quốc gia; an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam; bảo đảm trật tự; an toàn và đấu tranh phòng; chống tội phạm; vi phạm pháp luật trên biển.
  • Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
  • Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
  • gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
  • Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
  • Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
  • Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, pháp luật trao cho Cảnh sát biển các quyền hạn cụ thể:

Theo điều 9 Luật Cảnh sát biển 2018, Cảnh sát biển có các quyền hạn sau đây:

  • Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;
  • Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
  • Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
  • Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự; pháp luật về tố tụng hình sự;
  • Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển;
  • Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp;
  • Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp;
  • Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật;
  • Áp dụng biện pháp công tác theo quy định của pháp luật

Giải quyết vấn đề

Với truyền thống “kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, Cảnh sát biển Việt Nam luôn tận tâm với nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của Đảng. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam còn phát huy một cách có hiệu quả các quyền hạn của mình.

Có thể bạn quan tâm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam theo pháp luật hiện hành Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ của luật sư, hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Tên giao dịch quốc tế của Cảnh sát biển là gì?

Cảnh sát biển Việt Nam có tên giao dịch quốc tế : “Vietnam Coast Guard”  hay viết tắt là “VCG”

Khi nào chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải hoàn trả tàu phương tiện dân sự được huy động?

Chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải hoàn trả tàu thuyền và phương tiện; thiết bị kỹ thuật dân sự ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Phạm vi hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam?

Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong phạm vi:
Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Trả lời