Hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh bị xử lý thế nào theo quy định?

27/08/2021
Nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh bị xử lý như thế nào theo quy định?
968
Views

Các hành vi vi phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước luôn là các vấn đề gây nhức nhối. Các hành vi này đều bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý thích đáng nếu vi phạm. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập tới một vụ việc đang gây xôn xao dư luận gần đây. Đây là vụ việc về một chuyên viên Tổng cục Đường bộ bị điều tra nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh.

Tóm tắt vụ việc

Hoàng Thị Thanh Nga, 45 tuổi, chuyên viên Vụ Vận tải thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị cáo buộc duyệt, cấp trái phép thẻ luồng xanh để thu tiền.

Bà Nga được Tổng cục Đường bộ cử tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội cấp thẻ “luồng xanh” (dành cho xe chở hàng hoá được di chuyển trong giãn cách xã hội) và được giao một tài khoản để sử dụng cấp thẻ.

Theo cáo buộc, khi thực hiện nhiệm vụ, bà Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối một số người để thu gom các trường hợp muốn cấp thẻ “luồng xanh”. Nữ chuyên viên sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, bà Nga đã duyệt, cấp hơn 1.700 hồ sơ ôtô, nhận hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. Người môi giới nhận từ các chủ xe 800.000-1.000.000 đồng một xe.

Vậy hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh này sẽ bị xử lý ra sao? Hãy cùng Luật Sư 247 tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh bị khép vào tội gì?

Trước hết ta cần xác định đây là hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao có thể là làm không đúng, không đầy đủ, không kịp thời, trái với quy định của Nhà nước hoặc điều lệ công tác.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra. Trong Luật hình sự Việt Nam, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thuộc một số lĩnh vực cụ thể đã được quy định thành những tội danh cụ thể.

Như vậy, hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh có thể bị khép vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. được quy định tại điều 356, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Cấu thành tội phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Để có thể kết được tội danh một cách chính xác, ta cần phải xác định hành vi vi phạm đã ứng với các yếu tố cấu thành tội phạm của tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ hay chưa.

Các yếu tố cấu thành tội phạm được xác định như sau:

Khách thể của tội phạm tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ

Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức xã hội; đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Mặt khách quan của tội phạm tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ

Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Trong thực tế làm trái công vụ có thể là không làm trong trường hợp phải làm; và có điều kiện để làm hoặc làm nhưng không đầy đủ; hoặc làm ngược lại quy định hoặc yêu cầu của công vụ.

Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành; hoặc địa phương. Hành vi làm trái của người có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích của nhà nước; của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Như vậy; hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Đây là loại tội phạm mà hậu quả nguy hiểm của nó rất đa dạng.

Chúng có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản; nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người… Khi có hậu quả xảy ra; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình; hoặc cho người khác mà mình quan tâm.

Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân; hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất.

Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.

Chủ thể của tội phạm tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn.

Ngoài hai dấu hiệu pháp lý thông thường của chủ thể của tội phạm:

Độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự; người thực hiện hành vi phạm tội ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn; theo quy định của điều 352 BLHS.

Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn; thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác.

Dấu hiệu về chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu người phạm tội; trong trường hợp đồng phạm thì những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức không cần dấu hiệu trên đây.

Hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh bị xử lý ra sao?

Điều 356, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định các khung phạt sau; về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

Khung 1

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Khung 3

Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm; có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Những thông tin liên quan đến việc cấp thẻ luồng xanh theo đúng quy định pháp luật

Hệ thống cấp thẻ “luồng xanh” hoạt động từ ngày 19/7; giúp các xe vận tải chở hàng hóa thiết yếu được ưu tiên qua lại địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Việc đăng ký miễn phí với các bước sau:

– Truy cập vào địa chỉ “luongxanh.drvn.gov.vn”; nhập địa chỉ email và số điện thoại để nhận mã xác thực đăng nhập; nhập thông tin phương tiện như biển số xe, khối lượng hàng chuyên chở, loại phương tiện; khai báo thông tin về định vị, phù hiệu.

– Tải mẫu đơn đăng ký luồng xanh rồi điền đầy đủ thông tin đơn vị sở hữu; danh sách các xe đề nghị cấp giấy “luồng xanh”. Sau khi in ra; bạn ký tên rồi chụp ảnh toàn bộ nội dung mẫu đơn và tải lên hệ thống.

– Tiếp đến bạn đăng ký tuyến đường “luồng xanh” sẽ đi qua; điền đầy đủ ngày giờ xin cấp phép và loại hàng hoá vận chuyển.

– Cuối cùng; chọn đơn vị tiếp nhận hồ sơ (ở đây là Sở Giao thông vận tải, nơi đăng ký kinh doanh) rồi ấn nút gửi đề nghị.

– Khi đã đã đăng ký thành công; bạn tải thẻ được duyệt luồng xanh và mã QR code để dùng khi đi đường.

Giải quyết tình huống

Như vậy trong tình huống này, nếu cơ quan điều tra xác định đầy đủ các yếu tố câu thành tội phạm trong hành vi vi phạm nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh trên thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mức án cao nhất đối với tội danh này sẽ là bị phạt tù từ 10-15 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm; và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Yêu cầu nhân viên đi làm khi giãn cách xã hội đúng hay sai?
Hành vi lợi dụng tiêm vaccine để thu lợi bất chính sẽ bị xử lý ra sao?
Dùng căn cước công dân giả để chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Hành vi nhận tiền để cấp thẻ luồng xanh bị xử lý thế nào theo quy định? . Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Phân biệt lạm dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Lợi dung chức vụ quyền hạn gây thiệt hại từ bao nhiêu tiền thì bị phạt tù?

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì sẽ có thể phải chịu án phạt tù từ 1-5 năm.

Chống người thi hành công vụ phải chịu hình phạt gì ?

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời