Ngược đãi, đánh đập con cái, cha mẹ bị xử lý thế nào?

19/11/2021
Ngược đãi đánh đập con cái cha mẹ bị xử lý thế nào? Các hành vi bạo lực gia đình? Bố mẹ có quyền đánh đập con cái hay không?
928
Views

Nuôi dạy con cái nên người là một hành trình mà có lẽ hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ luôn canh cánh trong lòng. Nhưng không phải bất cứ bậc phụ huynh nào cũng có phương pháp dạy con đúng chuẩn mực. Bởi vậy trong thực tiễn; đôi khi cách bảo ban, dạy dỗ con những tưởng là “thương cho roi cho vọt” nhưng lại vô tình (hoặc cố ý) trở thành hành vi bạo hành trẻ em. Vậy hành vi ngược đãi, đánh đập con cái cha mẹ bị xử lý thế nào? Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc của bạn tại bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007

Các hành vi bạo lực gia đình là gì?

Theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

– Cưỡng ép quan hệ tình dục;

– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Bố mẹ có quyền đánh đập con cái hay không?

Căn cứ theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Theo đó, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con chứ không có quyền đánh đập, ngược đãi con.

Ngược đãi, đánh đập con cái, cha mẹ bị xử lý thế nào?

Trách nhiệm hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 49; 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; theo đó, cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chinh với mức phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

– Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ; phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

c, Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Truy cứu TNHS về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 BLHS nếu:

“ Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

Lưu ý: Hành vi hành hạ của cha mẹ đối với con cái của mình thì không bị truy cứu TNHS về Tội hành hạ người khác

-Truy cứu TNHS về Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015:

“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, hoặc người khác không có khả năng tự vệ;…”

Trường hợp con cái vì bị cha mẹ hành hạ, ngược đãi… là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc con cái tự sát thì cha mẹ đó còn bị truy cứu TNHS về Tội bức tử với mức phạt tù từ 2-12 năm theo quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự

Bức tử là gì?

Bức tử là làm người khác phải tự sát do đã có hành vi có lỗi đối với họ. Bức tử là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác, luật hình sự Việt Nam luôn coi hành vi này là tội phạm.

Nạn nhân ở tội bức tử phải là người bị lệ thuộc vào kẻ phạm tội trong những quan hệ xã hội nhất định như quan hệ gia đình, quan hệ nuôi dưỡng… Người phạm tội đã lợi dụng quan hệ lệ thuộc này để có những hành vi xâm phạm sức khỏe, xúc phạm nhân phẩm; danh dự của nạn nhân. Đó có thể là hành vi đánh đập, bỏ đói, bỏ rét; đối xử bất công, đối xử tồi tệ trái với luân lí, đạo đức; hoặc là hành vi làm tổn hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự… Những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân phải quyết định tự sát; và đã thực hiện việc tự sát nhưng không đòi hỏi nạn nhân có chết hay không.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Ngược đãi, đánh đập con cái, cha mẹ bị xử lý thế nào??“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp:

Đối với tội bức tử, tội phạm hoàn thành khi nào?

Chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cữu sống chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, đối với trường hợp nạn nhân không bị chết, tùy thuộc vào từng trường hợp mà có thể bị truy tố hoặc không truy tố người có hành vi bức tử

Người có hành vi bạo lực gia đình có nghĩa vụ gì?

Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình là tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực; chấp hành quyết định của cơ quan; tổ chức có thẩm quyền; kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; trừ trường hợp nạn nhân từ chối, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Để lại một bình luận