Mức hình phạt Tội cướp tài sản áp dụng với người dưới 18 tuổi

13/12/2021
Mức hình phạt Tội cướp tài sản áp dụng với người dưới 18 tuổi
1277
Views

Xin chào Luật sư 247, tôi có một thắc mắc mong muốn được luật sư giải đáp. Em trai tôi năm nay 17 tuổi bị bắt vì cướp dây chuyền của một thai phụ. Tôi tìm hiểu trong Luật Hình sự thì em trai tôi sẽ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 168; vì phạm tội với người có thai, thì em trai tôi có thể chịu hình phạt là 7-15 năm tù có đúng không ạ? Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi sẽ áp dụng như thế nào? Cụ thể em trai tôi có thể phải chịu mức án bao nhiêu năm tù và liệu có mức phạt thấp hơn giới hạn 7-15 năm tù hay không ạ? Xin cảm ơn Luật sư

Cảm ơn bạn đã liên hệ với chúng tôi, Luật sư 247 xin tư vấn thông qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015

Nội dung tư vấn

Thế nào là hành vi cướp tài sản?

Cướp tài sản là khi người phạm tội có hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có những hành vi khác khiến chủ tài sản không thể, không dám chống cự và nhằm mục đích cuối cùng là chiếm đoạt được tài sản của chủ tài sản.

Cướp tài sản khác với trộm cắp ở chỗ hành vi của trộm cắp là lén lút, bí mật; lợi dụng sơ hở của chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản; trong quá trình chiếm đoạt chủ tài sản không biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt trái phép. Trong khi đó với tội Cướp tài sản; người phạm tội đã sử dụng vũ lực, đe dọa… tác động đến chủ tài sản; chủ tài sản biết người phạm tội đang chiếm đoạt trái phép tài sản của mình.

Yếu tố cấu thành Tội cướp tài sản

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân; hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể; nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân; thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản).

Tài sản chiếm đoạt không là đối tượng của Tội cướp tài sản bao gồm: Tài sản tự nhiên (động vật hoang dã, khoáng sản,…), vũ khí, vật liệu nổ,…

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội cướp tài sản gồm các dạng hành vi:

  • Dùng vũ lực: Dùng sức mạnh vật chất có thể sử dụng kết hợp vũ khí, công cụ, phương tiện tác động đến chủ tài sản hoặc người đang quản lý tài sản khiến chủ tài sản hoặc người đang quản lý tài sản bị ảnh hưởng về tính mạng, sức khỏe và công khai chiếm đoạt tài sản/
  • Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Người phạm tội dùng hành vi sử dụng vũ lực; kết hợp thái độ, cử chỉ, nét mặt nhưng không tác động trực tiếp vào nạn nhân; mà chỉ đe dọa nạn nhân và khiến cho nạn nhân tin rằng nếu không phối hợp sẽ bị tấn công. Nếu đe dọa dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc sẽ là dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản. Vì thế hành vi khách quan trường hợp này phải có sự đe dọa ngay lập tức khi thực hiện hành vi phạm tội.

Tội cướp tài sản được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện xong hành vi: dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Như câu hỏi bạn đặt ra cho chúng tôi, bạn đã cho rằng em trai bạn cướp tài sản của thai phụ và không cung cấp cụ thể diễn biến hành vi phạm tội. Vì vậy chúng tôi coi rằng hành vi chiếm đoạt tài sản của em trai bạn là cướp tài sản

Chủ thể của tội phạm

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Em trai của bạn 17 tuổi, chúng tôi giải sử em trai bạn có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; thì em trai bạn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Mục đích giữ lại tài sản sau khi đã chiếm đoạt được; bằng cách dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là cướp tài sản.

Hình phạt

Em trai của bạn thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân là người mà biết là có thai sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS.

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

…”

Như vậy hình phạt áp dụng trường hợp này là 7-15 năm tù. Tuy nhiên mức phạt này áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi; mặc dù vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng hình phạt áp dụng vơi người phạm tội 17 tuổi theo nguyên tắc dưới đây.

Nguyên tắc áp dụng hình phạt với người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 101 BLHS năm 2015, Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội; nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình; thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

Như vậy em trai của bạn 17 tuổi; thuộc trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội. Mức phạt quy định tai BLHS đối với hành vi phạm tội của em trai bạn là 7-15 năm tù; nhưng mức phạt áp dụng với em trai bạn sẽ chỉ nằm trong khoảng 3/4 của mức phạt từ 7-15 năm tù. Ví dụ: Với hành vi phạm tội tương tự có thể phải chịu hình phạt là 7 năm tù, nhưng đối với người phạm tội 17 tuổi sẽ chịu mức phạt là 5 năm 3 tháng tù.

Giải quyết tình huống

Như đã trình bày ở trên, em trai của bạn sẽ không chịu mức hình phạt 7-15 năm tù. Cụ thể là hình phạt với người dưới 18 tuổi bằng 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi; hình phạt áp dụng đối với người phạm tội 17 tuổi có thể dưới khoảng 7-15 năm; nhưng cũng có thể vẩn nằm trong khoảng này, tùy từng trường hợp thực tiễn vụ án.

Việc em trai bạn phải chịu mức án bao nhiêu năm tù; trên thực tế còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố về tình tiết tăng nặng; tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm nên trước khi ra quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội; thẩm phán phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để ra bản án. Vì thế với những thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi không đủ căn cứ để đưa ra mức hình phạt đối với em trai của bạn.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Người dưới 18 tuổi phạm tội thì sẽ phải chịu những hình phạt nào?

Chuyển hóa tội trộm cắp tài sản thành tội cướp tài sản

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, hy vọng giúp ích cho bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi: 0833 102 102

Câu hỏi thường gặp

Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội sẽ như thế nào?

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội; nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình; thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Làm thế nào để phân biệt Tội cướp tài sản và Tội cướp giật tài sản?

Đối với Tội cướp tài sản, hành vi khách quan là dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối với Tội cướp giật tài sản, hành vi khách quan là công khai, nhanh chóng; chiếm đoạt tài sản mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác tác động đến nạn nhân.

Phạm tội cướp tài sản những khiến nạn nhân chết thì xử lý ra sao?

Khi sử dụng vũ lực tác động đến nạn nhân mục đích để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên không hề có ý định tước đoạt mạng sống của nạn nhân; tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì xử lý Tội cướp tài sản với tình tiết định khung làm chết người.
Nếu có chủ đích tước đoạt mạng sống sẽ xử lý hai tội Cướp tài sản và Giết người.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.