Mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023

21/03/2023
Mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023
333
Views

Xin chào Luật sư. Tôi hiện nay đã mua nhà và thời gian tới sẽ chuyển hẳn đến thành phố Hồ Chí Minh để sinh sống và làm việc. Tôi thấy bạn bè tôi nói rằng khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú sẽ cần chứng minh chỗ ở hợp pháp, tôi thắc mắc rằng giấy tờ cần chuẩn bị để chứng minh chỗ ở hợp pháp gồm những giấy tờ nào? Tôi sẽ soạn thảo mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp hiện nay như thế nào? Và tôi muốn biết về thủ tục đăng ký thường trú hiện nay sẽ thực hiện ra sao? Mong được luật sư tư vấn sớm, tôi xin cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư 247. Tại nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc nêu trên cho bạn. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Hồ sơ để đăng ký thường trú đối với trường hợp có chỗ ở hợp pháp cần những giấy tờ gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2020 quy định hồ sơ đối với công dân có chỗ ở hợp pháp chia làm 3 trường hợp như sau:

– Đối với công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

– Đối với công dân cư trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này.

– Đối với công dân cư trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

+ Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Vậy trong trường hợp của bạn đã có nhà thuộc sở hữu của mình thì chiếu theo quy định trên thì cần chuẩn bị tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là các giấy tờ nào?

Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp bạn tham khảo cơ sở pháp lý tại Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

Điều 5. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

1. Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

Mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023
Mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023

c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

d) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

h) Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

i) Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

l) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

2. Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

Tại sao cần phải làm đơn xin xác nhận chỗ ở hợp pháp?

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân, người dân cần làm hồ sơ xin xác nhận chỗ ở hợp pháp. Ngoài ra, việc làm mẫu đơn xin xác nhận chỗ ở hợp pháp là để nhằm mục đích chuẩn bị hồ sơ để đăng ký thường trú. Đây là một trong những giấy tờ quan trọng khi thực hiện nhập hộ khẩu vào gia đình nhà vợ, chồng anh, chị, em ruột, bố mẹ, con cái,… hoặc chuyển hộ khẩu theo quy định của Luật cư trú 2020.

Theo khoản 1, 2, 3 Điều 20 Luật cư trú 2020 quy định điều kiện đăng ký thường trú phải là có chỗ ở hợp pháp, cụ thể như sau:

Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ,

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/ người.

Do đó, mẫu đơn xin xác nhận chỗ ở hợp pháp là thực sự cần thiết, nó như một bằng chứng xác thực nhất để đảm bảo đủ điều kiện đăng ký thường trú. Đối với trường hợp không đủ khả năng để làm sổ đỏ, sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), người dân có thể sử dụng mẫu đơn này để nộp kèm bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét đăng ký thường trú.

Tải xuống mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023

Loader Loading…
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Download [162.00 B]

Hướng dẫn soạn thảo mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp

Mục ………, ngày … tháng …năm …: thể hiện thông tin về địa điểm, thời gian soạn đơn. Lưu ý nên để thời gian gần với ngày làm thủ tục đăng ký thường trú để văn bản mang tính hiện hành.

Hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về thời hạn của loại giấy tờ này, tuy nhiên, chủ thể có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở có thể thay đổi theo thời gian, do đó, việc xin được xác nhận gần với ngày làm thủ tục đăng ký cư trú sẽ đảm bảo cho việc thực hiện đăng ký cư trú dễ dàng hơn.

– Mục Kính gửi Ủy ban nhân dân………..: điền tên Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi có chỗ ở cần xin xác nhận. Các phần điền tên Ủy ban nhân dân khác trong đơn cũng tương tự.

– Các mục về tên, sinh năm, giấy tờ tùy thân, chỗ ở kê khai trung thực theo các giấy tờ như giấy khai sinh, CMND/CCCD/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

– Mục:

Vào ngày ……… tháng …….. năm ……….. tôi  đã(nhận chuyển nhượng/xây dựng) …………………..nhà ở, đất ở) tại số ………đường……….…..….…… …xã, phường, thị trấn …………….quận, huyện .……..….., tỉnh/thành phố………………….; ngang …. m, dài …. m, tổng diện  tích …..…. m2.

Quý vị kê khai thông tin trung thực về nguồn gốc sở hữu nhà đất. Các thông tin về địa chỉ nhà đất, kích thước nhà đất phù hợp với các giấy tờ có liên quan, thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký cư trú sẽ nộp.

– Cuối đơn ký và ghi rõ họ tên. Nên sử dụng chữ ký thường sử dụng, khớp với chữ ký trong giấy tờ, tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký thường trú để đảm bảo tính nhất quán khi xác minh thông tin cá nhân.

Thủ tục đăng ký thường trú như thế nào?

Căn cứ theo Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định thủ tục đăng ký thường trú như sau:

– Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 thì cơ quan thực hiện việc đăng ký cư trú là Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

– Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Khuyến nghị

Với đội ngũ nhân viên là các luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý của Luật sư X, chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện về vấn đề luật dân sự đảm bảo chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Ngoài tư vấn online 24/7, chúng tôi có tư vấn trực tiếp tại các trụ sở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang.

Thông tin liên hệ:

Luật sư 247 sẽ đại diện khách hàng để giải quyết các vụ việc có liên quan đến vấn đề “Mẫu giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới năm 2023” hoặc các dịch vụ khác liên quan như tư vấn soạn thảo tờ khai đăng ký lại giấy khai sinh. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và đội ngũ chuyên gia pháp lý dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ hỗ trợ quý khách hàng tháo gỡ vướng mắc, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Hãy liên lạc với số hotline 0833102102 để được trao đổi chi tiết, xúc tiến công việc diễn ra nhanh chóng, bảo mật, uy tín.

Câu hỏi thường gặp:

Thủ tục xác nhận nhà ở hợp pháp đối với cá nhân như thế nào?

Thủ tục xác nhận nhà ở hợp pháp đối với cá nhân được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Các cá nhân tự lập, hoàn thiện hồ sơ. Hoặc người dân cũng có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) để được cung cấp hồ sơ, tư vấn hướng dẫn lập các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ, các yêu cầu, điều kiện (nếu có yêu cầu)
Bước 2: Các cá nhân đến nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn)
Bước 3: Nhận kết quả

Thủ tục xác nhận nhà ở hợp pháp đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) như thế nào?

Thủ tục xác nhận chỗ ở hợp pháp đối với đối tượng là Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện như sau:
Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cung cấp hồ sơ, tư vấn, hướng dẫn cá nhân lập các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện (nếu người dân có yêu cầu).
Bước 2: Kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ do bộ phận “một cửa”của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển đến.
Bước 3: Trả kết quả

Cá nhân nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì để xác nhận nhà ở hợp pháp tại Việt Nam?

Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Biểu mẫu

Comments are closed.