Không tố giác tội phạm bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

16/10/2021
606
Views

Xin chào Luật sư, năm nay tôi 25 tuổi. Tôi biết được bạn của tôi đã lên kế hoạch đi ăn trộm ở tiệm vàng. Bạn tôi đã rủ tôi cùng đi ăn trộm nhưng tôi đã từ chối vì sợ bị bắt. Tôi có hứa với nó là sẽ không nói chuyện này với ai. Tối hôm đó bạn tôi có đi ăn trộm và bị bắt. Tôi muốn hỏi luật sư là tôi có phạm tội không tố giác tội phạm không? Nếu phạm phải thì tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội; sự hiểu biết pháp luật của người dân cùng các cơ quan chức năng đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ phạm tội tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận những người vẫn còn bao che; không tố giác tội phạm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm vẫn còn nhiều phức tạp; mức độ, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, có tính chất côn đồ; bạo lực với xu hướng “trẻ hóa” đối tượng phạm tội.

Không tố giác tội phạm là gì?

Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định như sau:

“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị; đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác; thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột; vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này; trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này; hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này; trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này; hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị; đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”

Trong quy định của pháp luật hiện hành; mặc dù không có quy định cụ thể về việc giải thích khái niệm “không tố giác tội phạm” theo dạng định nghĩa. Nhưng theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có thể hiểu:

Không tố giác tội phạm là việc biết mà không báo; phát hiện hành vi phạm tội mà coi như không biết, im lặng; không trình báo cho cơ quan chức năng được biết để xử lý. Việc phát hiện tội phạm có thể diễn ra khi người phạm tội đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội; hoặc trong khi hành vi phạm tội đang được thực hiện hoặc đã thực hiện xong.

Các yếu tố cấu thành của tội không tố giác tội phạm?

Về mặt khách quan

Về hành vi phạm tội: Một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm nếu như họ có hành vi không “tố giác” tức là không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về việc phạm tội của người khác khi họ là người phát hiện và biết rõ hành vi phạm tội này; dù hành vi phạm tội đó đang ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện; đã được thực hiện hay đang trong quá trình thực hiện.

Trong trường hợp này, hành vi phạm tội được thể hiện dưới dạng “không hành động”; tức là không thực hiện hành vi “tố giác”; hay “trình báo” với cơ quan thẩm quyền khi phát giác về sự việc phạm tội.

Trừ trường hợp quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015.

Về mặt chủ quan

Mặt chủ quan của tội phạm thường phản ánh qua các khía cạnh tâm lý bên trong của tội phạm; như yếu tố động cơ phạm tội, mức độ lỗi, mục đích phạm tội, tâm lý tội phạm…

Khi xác định mặt chủ quan cần xác định lỗi cố ý không thực hiện hành vi “tố giác”; cũng có nghĩa “việc không tố giác tội phạm” xuất phát từ mong muốn chủ quan của người phạm tội khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện hành động tố giác tội phạm; nhưng cố tình không thực hiện. Điều này, cũng loại trừ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự với những người phát hiện ra hành vi phạm tội của người khác nhưng đã không tố giác vì không có đủ căn cứ; hay chứng cứ để xác định hành vi phạm tội sẽ/ hoặc là đã được thực hiện; hoặc không có đủ điều kiện, cơ hội để tố giác lên cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội này.

Về mặt khách thể 

Hành vi không tố giác tội phạm là hành vi vi phạm trách nhiệm bắt buộc của công dân trong phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm; đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền như Công an trong việc tiếp nhận thông tin; phát hiện tội phạm.

Về mặt chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng như nêu ở trên.

Như vậy, trong trường hợp này, bạn đã phạm vào tội không tố giác tội phạm.

Không tố giác tội phạm bị xử lý như thế nào?

Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định như sau:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác; nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm; thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Như vậy, theo quy định này anh có thể bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Mời bạn xem thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Không tố giác tội phạm bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? ”. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Trộm cắp tài sản trị giá bao nhiêu tiền thì bị khởi tố?

Người thực hiện hành vi phạm tội phải lấy trộm tối thiểu 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Người từ bao nhiêu tuổi mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm?

Theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về mọi tội phạm (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Hình sự

Để lại một bình luận