Giấy tờ chứng minh một người đã chết

17/05/2022
1149
Views

Chồng tôi đã mất nhiều năm do bệnh. Nay tôi muốn tái hôn, cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh một người là đã chết. Vậy tôi phải xuất trình giấy tờ nào? Vì tôi chưa đi đăng ký khai tử cho chồng? Vậy bây giờ tôi cần phải làm gì? Mong luật sư giải đáp giúp tôi?

Trên thực tế, sau khi chết thì quyền và nghĩa vụ của người chết sẽ chấm dứt. Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề liên quan đến họ cần phải giải quyết như quan hệ hôn nhân; chia tài sản thừa kế; quyền và nghĩa vụ với những người liên quan;…. Vậy làm thế nào để biết một người là đã chết? Một người như thế nào thì được coi là chết? Giấy tờ nào có thể chứng minh cho việc này? Để giải đáp vấn đề này,  Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Giấy tờ chứng minh một người đã chết”. Mời bạn đọc cùng tham khảo để giải đáp câu hỏi trên nhé.

Căn cứ pháp lý

Khi nào thì một người được coi là đã chết?

Một người được coi là chết khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

Chết trên thực tế

Chết hay qua đời thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Đây là cái chết sinh học. Cái chết này có thể được nhìn thấy, chứng thực trên thực tế; bằng một giấy tờ có thể là xác nhận của cơ quan y tế; hoặc cơ quan nhà nước. Người chết sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động sống; và thường được Sau cái chết này, người thân của người chết sẽ đi khai tử để chứng nhận một người là đã chết.

Chết theo quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết

Đây là cái chết pháp lý. Với cái chết này; trên thực tế không ai có thể xác định chính xác người được tuyên bố là đã chết hay chưa. Bản chất của của việc tuyên bố một người đã chết chỉ là sự suy đoán pháp lí của tòa án khi một người đã biệt tích trong một thời hạn nhất định.

Lí do có sự ra đời của quy định về tuyên bố chết xuất phát từ việc đảm bảo quyền, lợi ích của người khác trong mối quan hệ với người đã biệt tích quá lâu mà không có bất kỳ thông tin nào mặc dù đã tìm kiếm, thông báo.

Với quy định này; người có mối quan hệ với người biệt tích sẽ nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người là đã chết. Nếu thấy có đủ điều kiện; Tòa án sẽ xem xét và ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Tuy nhiên khi người được tuyên bố trở về thì Tòa án có thể hủy quyết định đó; và phục hồi lại quyền lợi cho người đó như trước khi ra quyết định. Đây là điểm khác biệt với cái chết sinh học.

Giấy tờ chứng minh một người là đã chết?

Mặc dù có hai hình thức công nhận một người đã chết ở trên; nhưng suy cho cùng thì thủ tục cuối cùng phải thực hiện chính là khai tử cho người chết. Người thân của người chết sẽ đi khai tử và được cấp giấy chứng tử. Đây chính là giấy tờ chứng minh một người là đã chết. Vậy giấy khai tử được quy định như thế nào?

Giấy chứng tử là gì?

Giấy khai tử hay thường được gọi là Giấy chứng tử là một loại giấy tờ hộ tịch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho vợ, chồng, cha, mẹ, con hoặc người thân thích khác; nhằm xác nhận một người đã chết.

Giấy tờ chứng minh một người đã chết
Giấy tờ chứng minh một người đã chết

Giấy khai tử là căn cứ pháp lý được dùng để:

– Xác định thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế;

– Giải quyết chế độ tử tuất;

– Xác định tài sản chung vợ chồng;

– Xác nhận tình trạng hôn nhân khi muốn đăng ký kết hôn với người khác…

Thẩm quyền đăng ký khai tử

Điều 32 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

– UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của công dân Việt Nam. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết; hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

– UBND cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam.

Thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử

Theo Điều 33 Luật Hộ tịch, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết; thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.

Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.

Thủ tục đăng ký khai tử theo quy định hiện hành

Việc khai tử sẽ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết; vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký khai tử tại UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.

Hồ sơ đăng ký khai tử gồm:

1- Tờ khai đăng ký khai tử;

2- Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy tờ thay thế giấy báo tử:

– Đối với người chết tại cơ sở y tế: Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

– Đối với người chết do thi hành án tử hình:

Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

– Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết:

Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

– Đối với người chết trên phương tiện giao thông; chết do tai nạn; bị giết; chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn:

Văn bản xác nhận của cơ quan công an; hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử.

3- Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai tử.

Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

Giấy tờ phải xuất trình

– Hộ chiếu; hoặc chứng minh nhân dân; hoặc thẻ căn cước công dân; hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử;

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa hoàn thiện);

– Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết; thì xuất trình giấy tờ chứng minh nơi người đó chết; hoặc nơi phát hiện thi thể của người chết.

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính; thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

– Nếu hồ sơ sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ và lập văn bản từ chối tiếp nhận hồ sơ, trong đó ghi rõ lý do từ chối, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

– Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.

Bước 3: Giải quyết khai tử

Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Công chức tư pháp – hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

Lệ phí đăng ký khai tử

Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn, người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

Trường hợp đăng ký khai tử quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì phải nộp lệ phí đăng ký khai tử. Mức thu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại địa phương quy định. 

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Giấy tờ chứng minh một người đã chết”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hồ sơ ngừng kinh doanh; hoặc muốn sử dụng dịch vụ Đăng ký hộ kinh doanh của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Khai tử là gì?

Khai tử là thủ tục pháp lý nhằm xác nhận sự kiện một người đã qua đời và xác định sự chấm dứt các quan hệ pháp luật của người đó, đồng thời, là phương tiện để Nhà nước theo dõi biến động dân số của mình. Khi một người qua đời, người thân phải làm thủ tục đăng ký khai tử và kết quả của thủ tục này là Giấy khai tử. 

Khi nào thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết?

Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
+ Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
+ Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
+ Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của BLDS 2015.

Người thân thích của người đã chết là những ai?

Theo Luật hôn nhân gia đình 2014 thì người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời với chủ thể.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Comments are closed.