Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?

26/08/2022
Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?
471
Views

Xin chào luật sư. Tôi có thắc mắc rằng tiêu chuẩn để trở thành giáo viên trung học phổ thông hạng III là gì? Sau bao nhiêu năm thì Giáo viên trung học phổ thông hạng III được nâng bậc lương? Trong thời gian nghỉ thai sản có được tính vào thời hạn để nâng bậc lương không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Để trở thành giáo viên trung học phổ thông cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, đạo đức phù hợp với chức danh. Theo quy định tùy thuộc vào hạng chức danh giáo viên sẽ được nâng bậc lương sau các khoảng thời gian khác nhau? Vậy quy định về tiêu chuẩn của giáo viên trung học phổ thông hạng III là gì? Thời gian để được nâng bậc lương là bao lâu? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?”. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Tiêu chuẩn đối với giáo viên Trung học phổ thông hạng III

Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?
Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?

Giáo viên trung học phổ thông trong các đơn vị sự nghiệp công lập là người được tuyển dụng làm việc theo hợp đồng tại các trường trung học phổ thông công lập. Để có thể trở thành giáo viên trung học phổ thông, cần đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định phù hợp với chức danh chuyên môn. Theo đó:

Tiêu chuẩn chung của giáo viên các cấp

Tiêu chuẩn đối với nhà giáo được quy định tại Điều 67 Luật Giáo dục năm 2019 như sau: Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn gồm:

– Phải có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

– Phải đáp ứng các quy định về chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;

– Phải có các kỹ năng cơ bản, kỹ năng nâng cao và thường xuyên cập nhật, nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

– Phải đảm bảo sức khoẻ theo yêu cầu nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn riêng với giáo viên trung học phổ thông hạng III

Tiêu chuẩn đối với Giáo viên trung học phổ thông hạng II được quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT như sau:

Nhiệm vụ

a) Xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học được phân công và tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo mục tiêu, chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông;

b) Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức;

c) Thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo quy định;

d) Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công;

đ) Tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém cấp trung học phổ thông hoặc hướng dẫn thực tập sư phạm, hoạt động công tác xã hội trường học cho học sinh trung học phổ thông;

e) Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; tham gia nghiên cứu khoa học; hoàn thành hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục theo quy định; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập trong phạm vi được phân công; tham gia tổ chức các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên;

g) Hoàn thành các khóa đào tạo, chương trình bồi dưỡng theo quy định; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học phổ thông;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông và triển khai thực hiện vào nhiệm vụ được giao;

b) Biết xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, kĩ thuật dạy học, các mô hình dạy học mới tích hợp;

c) Biết khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ, thiết bị dạy học và học liệu trong dạy học, giáo dục và quản lí học sinh;

d) Có khả năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, phát hiện tài năng, năng khiếu học sinh; hỗ trợ học sinh trong công tác giáo dục kỹ năng sống; tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông;

đ) Có khả năng dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình môn học;

e) Sử dụng được các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

g) Biết vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh hoặc làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp trung học phổ thông;

h) Có khả năng hướng dẫn học sinh trung học phổ thông nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ cấp trường trở lên;

i) Có năng lực tự học, tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;

k) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV thì thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên được quy định như sau:

– Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

– Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Theo quy định trên thì với giáo viên trung học phổ thông cần có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên hay nói cách khác là phải tốt nghiệp trình độ đào tạo đại học. Theo đó giáo viên trung học phổ thông sẽ được xét nâng một bậc lương sau 3 năm.

Nghỉ theo chế độ thai sản được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương?

Theo Điểm b, Khoản 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV, các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

– Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, sẽ vẫn được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với giáo viên trung học phổ thông hạng III.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Giáo viên trung học phổ thông bao lâu thì được xem xét nâng bậc lương?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về cách nộp quyết toán thuế tncn online hoặc muốn tham khảo mẫu quyết định phát hành hóa đơn điện tử cũng như các vấn đề pháp lý khác của chúng tôi, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Giáo viên trung học phổ thông phải tập sự trong thời gian bao lâu?

Thời gian tập sự được quy định như sau:
– 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;
– 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;
– 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.
– Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
– Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

Điều kiện để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm?

Học viên sẽ được cấp chứng chỉ khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, đồng thời có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt điểm từ 05 điểm trở lên. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ sẽ ghi rõ, đầy đủ tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.
+ Nếu hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THCS thì người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THCS.
+ Nếu hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THPT thì người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THPT.
+ Trường hợp hoàn thành cả hai học phần nhánh thì người học được cấp 02 chứng chỉ riêng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chung đối với giáo viên THCS, THPT.

Giáo viên THPT bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học hay không?

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non cần:
“Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.”
Theo đó chứng chỉ ngoại ngữ và tin học hiện nay không phải là bắt buộc đối với giáo viên trung học phổ thông. Chỉ cần có trình độ phù hợp với vị trí chức danh đang đảm nhận theo quy định để phục vụ công việc.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.