Công chứng, chứng thực di chúc sẽ thực hiện như thế nào?

09/10/2021
Công chứng, chứng thực di chúc sẽ thực hiện như thế nào?
654
Views

Trong nền kinh tế thị trường phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện nay; có thể thấy, hoạt động công chứng có những vai trò to lớn; là công cụ đảm bảo an toàn pháp lý và phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực; đồng thời công chứng tạo lập và cung cấp chứng cứ cho hoạt động tố tụng. Ngay cả di chúc cũng không ngoại lệ, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Di chúc có cần công chứng, chứng thực hay không? Di chúc cần công chứng ở đâu? Không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Luật sư 247 sẽ giải đáp vấn đề này ngay sau đây:

Căn cứ pháp lý

Luật công chứng năm 2014

Bộ luật Dân sự năm 2015

Nghị định 23/2015/NĐ-CP

Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018

Di chúc là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm làm phát sinh hậu quả pháp lý; người thừa kế chỉ có thể thể hiện ý chí của mình sau khi người lập di chúc chết; cá nhân lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc bất cứ khi nào.

Công chứng, chứng thực là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 đã giải thích rõ: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Có thể hiểu, Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận cho các hợp đồng, giao dịch dân sự. Đảm bảo tính chính xác; hợp pháp; không trái với đạo đức xã hội của các bên tham gia giao dịch; nội dung giao dịch và giao dịch.

Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng; bao quát về khái niệm chứng thực; mà chỉ có khái niệm chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, chứng thực bản sao từ bản chính.

Về mặt pháp lý, chứng thực là việc của cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác; hợp pháp của các giấy tờ, chữ ký, văn bản của các nhân, thông tin cá nhân để bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân và tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế. Tức là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi căn cứ vào bản chính; để chứng thực bản sao đúng với bản chính trong lúc đối chiếu.

Công chứng di chúc thực hiện ở đâu?

Căn cứ Luật công chứng năm 2014, Điều 56 có quy định về công chứng di chúc. Theo đó người yêu cầu công chứng di chúc phải là người lập di chúc; người lập di chúc này không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc mà mình lập ra. Yêu cầu này đặt ra nhằm đảm bảo di chúc được lập ra theo đúng ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Như vậy, người lập di chúc nếu lập trên cơ sở tự nguyện; theo đúng ý chí của mình; thì cũng đã đảm bảo tính hợp pháp cho các tài sản đề cập trong di chúc.

Tuy nhiên quy định này chỉ đặt ra yêu cầu về người yêu cầu công chứng di chúc; mà không đặt ra yêu cầu về tổ chức hành nghề công chứng nào được công chứng di chúc.

Theo Điều 639 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở:

“1. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc

2. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 636 của Bộ luật này.”

Vậy, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng.

Từ các căn cứ trên có thể thấy, Người lập di chúc có quyền yêu cầu công chứng di chúc tại bất kì tổ chức hành nghề công chứng nào có thẩm quyền; thậm chí có thể yêu cầu công chứng tại chỗ ở nếu có lí do chính đáng.

Không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không?

Theo Điều 628 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm:

“1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”

Điều 635 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.

Khoản 2 điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền; trách nhiệm chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Theo quy định này thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thẩm quyền chứng thực di chúc và việc chứng thực sẽ không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực, vậy người yêu cầu chứng thực có thể nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực di chúc tại bất kỳ Ủy ban nhân dân xã nào trên địa bàn cả nước.

Như vậy, Việc công chứng di chúc là không bắt buộc trong mọi trường hợp. Khi di chúc đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 630 BLDS 2015; thì di chúc được coi là hợp pháp. Dù không công chứng thì vẫn có thể thực hiện chứng thực di chúc. Người lập di chúc hoàn toàn có quyền lựa chọn việc công chứng hay chứng thực di chúc.

Việc chứng thực di chúc sẽ thực hiện như thế nào?

Về thủ tục chứng thực di chúc quy định tại Tiểu mục 2 Mục V Quyết định 1024/QĐ-BTP năm 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Thủ tục thực hiện chứng thực di chúc như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ bao gồm:

  • Dự thảo di chúc;
  • Bản sao kèm bản chính để đối chiếu; hoặc bản sao có chứng thực đối với Chứng minh nhân dân; hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu; hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trương hợp người lập di chúc đang bị đe dọa đến tính mạng. (Xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu)

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Người thực hiện chứng thực tiếp nhận và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực. Người thực hiện chứng thực tiếp nhận bản sao; có quyền yêu cầu người muốn chứng thực xuất trình bản chính để đối chiếu; xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính và tiến hành xác minh nếu thấy cần thiết. Nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn và nhận thức thì tiến hành chứng thực.

Theo quy định tại khoản 4, 7 Điều 9 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; Trong trường hợp hồ sơ chứng thực chưa đầy đủ; người thực hiện chứng thực phải hướng dẫn bổ sung hồ sơ. Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực di chúc trong trường hợp thuộc Điều 22, 25 và 32 của Nghị định này đồng thời giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Bước 3: Ký, điểm chỉ

Căn cứ Khoản 3, 4 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:

  • Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp không ký được thì phải điểm chỉ; trường hợp nếu không thể đọc, nghe, ký, điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến di chúc.
  • Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ công chứng. Đối với di chúc có 02 trang trở lên thì mỗi trang phải đánh số thứ tự; có chữ ký của người lập di chúc và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của di chúc. Trường hợp di chúc có 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Theo Điều 37 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về Thời hạn chứng thực di chúc là 02 ngày làm việc kể từ khi người yêu cầu công chứng cung cấp đầy đủ hồ sơ. Nếu trong vụ việc cần xác minh tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực có thể kéo dài theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

Bước 4: Nộp lệ phí

Theo Điều 15 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:

“1. Người yêu cầu chứng thực tại Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện phải nộp lệ phí chứng thực theo quy định của pháp luật.

2. Mức thu lệ phí, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí chứng thực được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, khi chứng thực di chúc tại Ủy ban nhân dân cấp xã; người yêu cầu chứng thực có nghĩa vụ nộp lệ phí chứng thực với mức phí được pháp luật quy định, cụ thể Lệ phí là 50.000 đồng/1 lần chứng thực di chúc.

Mời các bạn xem thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Công chứng, chứng thực di chúc sẽ thực hiện như thế nào?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Khi nào được lập di chúc?

Căn cứ Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về người lập di chúc:
– Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Điều kiện nào để di chúc miệng được coi là hợp pháp?

Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Để lại một bình luận