Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?

30/09/2022
299
Views

Xin chào luật sư. Chồng tôi vừa mới mất được không lâu thì có một người con gái đến nhà tự nhận là con riêng của chồng tôi và yêu cầu tôi phải chia tài sản thừa kế. Tuy nhiên do chồng tôi chưa từng kể cho tôi biết về việc anh ấy có con gái riêng và đồng thời cô gái đó không có gì chứng minh quan hệ cha con với chồng tôi. Vậy xin hỏi người con riêng của chồng tôi có được hưởng thừa kế do chồng tôi để lại hay không? Khi mất do đột ngột nên cũng không có di chúc. Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Chia thừa kế luôn là một trong những vấn đề hay xảy ra tranh chấp nhất. Những người có quyền thừa kế thường xung đột với nhau về phần thừa kế mà mình được hưởng. Không chỉ những người thân trong ia đình của người đã chết, nhiều trường hợp có con riêng về tìm lại và đòi chia thừa kế. Vậy với những người con riêng nay có được hưởng thừa kế của người đã chết không? Chia thừa kế trong trường hợp này như thế nào? Có thể yêu cầu xác nhận cha con khi người cha không còn hay không? Để giải đáp các thắc mắc này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?”. Mời bạn đọc cùng tham khảo để giải đáp câu hỏi trên nhé.

Căn cứ pháp lý

Một số quy định chung về quyền thừa kế

Quyền thừa kế là gì?

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, Quyền thừa kế được quy định như sau:

– Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

– Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Từ quy định trên có thể hiểu, Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản.

Đối tượng của quyền thừa kế

Về đối tượng của quyền thừa kế là tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại cho người còn sống (di sản thừa kế).

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự thì di sản bao gồm: Tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Trong đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. (Điều 105 Bộ luật dân sự).

Di sản còn bao gồm cả các quyền tài sản, trong đó quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Di sản thừa kế sẽ không bao gồm nghĩa vụ của người chết. Do vậy, trong trường hợp người có tài sản để lại còn có cả nghĩa vụ về tài sản, thì thông thường phần nghĩa vụ này sẽ được thanh toán bằng tài sản của người chết:

“Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác”

Phần còn lại sẽ được xác định là di sản thừa kế và được chia theo di chúc hay quy định của pháp luật.

Quy định về chia thừa kế theo pháp luật

Thừa kế được phân chia thành hai loại đó là thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây:

– Không có di chúc;

Di chúc không hợp pháp;

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 650 của Bộ luật Dân sự 2015, khi chia thừa kế theo di chúc, vẫn có thể chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau đây:

– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Hàng thừa kế

Hàng thừa kế là những người có mối quan hệ với người để lại di sản mà theo quy định pháp luật họ sẽ có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản thừa kế. hàng thừa kế chỉ được áp dụng với trường hợp chia thừa kế theo pháp luật.

Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Người thừa kế theo pháp luật.

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản“.

Những người không được hưởng thừa kế?

Người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ Luật dân sự như sau:

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?

Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không
Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?

Theo quy định ở trên có thể thấy pháp luật không phân biệt quyền hưởng di sản của con chung, con riêng của vợ hoặc chồng nếu còn sống. Họ đều có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản.

Vì vậy, trong trường hợp con riêng của chồng bạn chứng minh được nhân thân, có quan hệ ruột thị với chồng bạn thì con riêng của chồng bạn là một trong những người thừa kế và vẫn được hưởng di sản thừa kế, trừ khi thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ Luật dân sự.

Do đó, những người được hưởng di sản của chồng bạn bao gồm: bạn (vợ), con chung của bạn với chồng và con riêng của chồng bạn. Di sản của chồng bạn sẽ được chia đều cho những người thừa kế nêu trên với phần di sản bằng nhau.

Xác nhận quan hệ cha con khi người cha mất được không?

Theo Điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ

1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

2.Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.”

Theo đó người con hoàn toàn có quyền nhận lại cha dù người cha đã chết.

Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

Căn cứ Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:

“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Vì vậy đối với trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án. Cụ thể là Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu xác nhận cha con theo quy định tại Điều 35 và 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Hồ sơ yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con

Hồ sơ gồm có:

  • Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ con;
  • CMND, sổ hộ khẩu của các bên;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con;

Trường hợp còn lưu lại ADN của người đã mất thì hoàn toàn có thể thông qua giám định để xác nhận cha con. Trường hợp không có mẫu AND của người đã qua đời, nên nếu người cha còn người thân thì có thể sử dụng mẫu AND của người thân để xác nhận quan hệ cha con, anh em, cháu…

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?” Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách đang muốn ly hôn nhanh nhất nhưng không biết các thủ tục, hồ sơ cần làm để thực hiện thủ tục này hoặc có thắc mắc về vấn đề chia tài sản sau ly hôn; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bao lâu?

Theo Khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 thì:
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Con riêng có được hưởng di sản của mẹ kế không?

Theo quy định tại Điều 654 BLDS 2015, nếu con riêng và bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về diện thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị. Như vậy, theo Điều luật này thì về nguyên tắc giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế không được hưởng di sản thừa kế của nhau. Tuy nhiên, vì quá trình chung sống, con riêng biết chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế và coi họ như cha, mẹ ruột của mình thì pháp luật vẫn công nhận quyền thừa kế của con riêng.

Con riêng được xác định như thế nào?

Con riêng là con của một bên vợ hoặc chồng với người khác.
Con riêng có thể là con do người vợ hoặc người chồng có trước khi kết hôn (có trong quan hệ hôn nhân trước hoặc vợ, chồng chưa kết hôn nhưng đã có con ngoài hôn nhân). Cũng có thể là con riêng của vợ nếu do người vợ sinh ra trong thời kì hôn nhân nhưng Tòa án đã xác định người chồng không phải là cha của người con đó (con do người vợ có thai với người khác trong thời kì hôn nhân). Có thể là con riêng của người chồng trong trường hợp Tòa án xác định người chồng là cha của người con do người phụ nữ khác sinh ra. Như vậy, con riêng có thể là con trong hôn nhân, có thể là con ngoài hôn nhân.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Comments are closed.