Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định

12/02/2022
Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định
629
Views

Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định hình sự quan trọng. Nó thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của nhà nước ta đối với người phạm tội. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ mang đến cho bạn đọc kiến thức về các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích cho bạn đọc

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Miễn trách nhiệm hình sự là gì?

Miễn trách nhiệm hình sự là gì? Nhiều người vẫn không hiểu rõ về vấn đề này. Đây là một trong những chế định quan trọng trong luật hình sự. Nó được áp dụng đối với người phạm tội trong những điều kiện nhất định mà Cơ quan tiến hành tố tụng thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Cụ thể, miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó.

Xét về bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự. Đây là chế định nhân đạo được áp dụng đối với người mà hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong Bộ luật hình sự nhưng do người này có các điều kiện nhất định để được miễn trách nhiệm hình sự.

Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định

Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, có 02 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Đó là đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự

Đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp, một người có hành vi phạm tội sẽ được xem xét miễn TNHS mà không cần có bất kỳ một điều kiện nào khác kèm theo khi có các căn cứ thỏa mãn quy định này.

Các trường hợp đương nhiên miễn trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 16, khoản 1 Điều 29 BLHS và khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, phải miễn TNHS cho người phạm tội khi thuộc các căn cứ sau:

– Thứ nhất, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Theo Điều 16 Bộ luật hình sự 2015, Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Đây là trường hợp người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản.

– Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đây là trường hợp mà một người đã thực hiện một hành vi được coi là tôi phạm, nhưng trong quá trình tố tụng có sự thay đổi chính sách pháp luật mà hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Ví dụ Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ 11 tội so với bộ luật hình sự 1999, trong đó có các tội như: “Tội tảo hônđược quy định tại Điều 148;“Tội hoạt động phỉ” được quy định tại Điều 83;… .Do đó, kể từ ngày BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật những người trước đây đã thực hiện một (hoặc nhiều) trong các hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm (11 tội đã bỏ) mà sau ngày BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật mới bị phát hiện thì được coi là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và mặc nhiên người có hành vi này được miễn trách nhiệm hình sự.

– Thứ ba, khi có quyết định đại xá.

Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm nhất định. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích. Thẩm quyền đại xá thuộc về Quốc hội và được ban hành nhân dịp những sự kiện trọng đại nhất của đất nước.

Trên thực tế, Việt Nam mới có 2 lần đại xá, đó là vào năm 1946 và năm 1976.

– Thứ tư, người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn TNHS.

Trường hợp này được quy định cụ thể tại Tội gián điệp theo quy định khoản 4 Điều 110 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, người đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiềm vụ được giao mà tự thú, thành khẩn khai báo thì đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Đây là trường hợp không đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Ngoài căn cứ được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự thì đòi hỏi phải có sự đánh giá một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào không được miễn.

Cụ thể, có các trường hợp sau:

– Thứ nhất, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa

Căn cứ này hoàn toàn khác với căn cứ đương nhiên được miễn TNHS như đã phân tich. Đây là trường hợp do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chứ không phải do thay đổi chính sách pháp luật Về lý luận và thực tiễn, đây là trường hợp rất khó xác định. Và có rất nhiều quan điểm khác nhau, Trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Trường hợp Cũng được coi là do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.

– Thứ hai, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa

Bệnh hiểm nghèo là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Nghị định 134/2016 đã quy định cụ thể danh mục  các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, teo cơ tiến triển,…

Tuy nhiên không phải bệnh hiểm nghèo nào cũng được miễn trách nhiệm hình sự mà phải kèm thêm điều kiện: không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

– Thứ ba, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận

Người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

  • Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát hiện, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm.
  • Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm. Ở đây có nghĩa là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm. Ví dụ như: chỉ nơi ở của người đồng phạm khác hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt người đồng phạm đang bỏ trốn, thu hồi tang vật,… Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
  • Cùng với việc tự thú, người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người khác hoặc những lợi ích khác, trả lại tài sản đã chiếm đoạt…
  • Lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

– Thứ tư, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.

Việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm. Đó là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.

Tuy nhiên, nếu người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn được thì cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, đồng thời giải thích cho người bị hại biết vì sao không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được.

– Thứ năm, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Điều này được quy định cụ thể tại (khoản 2 Điều 91 BLHS). Đây là quy định riêng cho người dưới 18 tuổi, thể hiện chính sách khoan hồng và tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi theo nguyên tắc của Bộ luật hình sự.

– Thứ sáu, những trường hợp có thể miễn trách nhiệm hình sự đối với từng tội phạm cụ thể

Trong một số tội phạm cụ thể, Bộ luật hình sự cũng quy định có thể miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể là:

  • Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 4 Điều 247 BLHS);
  • Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 7 Điều 364 BLHS);
  • Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 6 Điều 365 BLHS);
  • Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS (quy định tại khoản 2 Điều 390 BLHS)

Mời bạn xem thêm bài viết

Thông tin liên hệ 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về “Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định”. Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hồ sơ ngừng kinh doanh; tìm hiểu về thủ tục thành lập công ty ở việt nam; cách dò mã số thuế cá nhân, cách tra cứu thông tin quy hoạch hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh, thủ tục xin hợp pháp hóa lãnh sự của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833.102.102.

FaceBook: www.facebook.com/luatsux

Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux

Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Án treo là gì?

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Ân xá là gì?

Ân xá là được hiểu là một đặc ân của nhà nước trong việc miễn giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt với người phạm tội.
Ân xá thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta với những người phạm tội, mở ra cho những người phạm tội khả năng ăn năn hối cả, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.