Các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

03/12/2021
các công việc chuẩn bị xét xử
2278
Views

Từ khi thụ lý vụ án dân sự, tòa án chính thức xác nhận thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ án dân sự. Nếu hòa giải không thành, tòa án phải củng cố hoàn thiện hồ sơ vụ án để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa. Các hoạt động này của tòa án đưuọc gọi là chuẩn bị xét xử. Vậy các công việc chuẩn bị xét xử của tòa án phải thực hiện là gì?

Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư 247.

Cơ sở pháp lý

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Khái niệm

Vụ án dân sự là gì?

Vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định của BLTTDS 2015 thì cá nhân, cơ quan; tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là gì?

Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là giai đoạn thứ hai của quá trình tố tụng dân sự. Đây là giai đoạn tố tụng dân sự quan trọng; trong đó, Toà án xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp; từ đó xác định được đầy đủ nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Các công việc chuẩn bị xét xử là quá trình quan trọng để giải quyết vụ án một cách nhanh chóng; khách quan, đúng pháp luật. Vậy, chuẩn bị xét xử bao gồm những công việc gì?

Các công việc chuẩn bị xét xử

Phân công thẩm phán giải quyết vụ án

Thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; cho nên tòa án có thẩm quyền đã thụ lý vụ án phải phân công một thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án. Việc phân công này là cơ sở để thẩm phán thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điều 48 BLTTDS 2015; đảm bảo giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật.

Theo quy định tại điều 197 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án; Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật này.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ. Trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu; và Tòa án phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nộp văn bản

Đây là một trong các công việc chuẩn bị xét xử. Sau khi thụ lý vụ án, chánh án được phân công giải quyết vụ án thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho tòa án văn bản; tài liệu liên quan đến yêu càu của nguyên đơn.

Theo điều 199 BLTTDS 2015 quy định:

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

Cùng với việc phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với người khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo, điều 200 BLTTDS còn quy định bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn; người có quyền, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đây là trường hợp bị đơn kiện lại đối với nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Vì vậy, tòa án có thể xem xét giải quyết trong cùng một vụ án để sớm kết thúc việc giải quyết tranh chấp.

Lập hồ sơ vụ án dân sự

Hồ sơ vụ án dân sự gồm đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác; tài liệu chứng cứ do tòa án thu thập; văn bản tố tụng của tòa án, viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Để lập hồ sơ vụ án, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, tòa án xác định các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án yêu cầu các đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện cung cấp. Sau đó, tòa án sẽ đưa vào hồ sơ vụ án. Thủ tục giao nhận các chứng cứ tài liệu được thực hiện theo điều 96 BLTTDS 2015.

Trong trường hợp tòa án áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ thì việc thu thập chứng cứ của tòa án được thực hiện theo quy định điều 97 đến điều 106 BLTTDS.

Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ

Theo điều 210 BLTTDS, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ giữa các bên đương sự. Khi tiến hành phiên họp này phải đảm bảo sự có mặt của các bên đương sự; hoặc người địa diện hợp pháp của họ.

Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện; việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất; những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

b) Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án; và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

c) Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác; người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

d) Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử

Sau khi lập hồ sơ vụ án, hòa giải vụ án không đạt được kết quả (đối với vụ án phải hòa giải) và không có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án thì tòa án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định này phải có các nội dung quy định tại khoản 1 điều 220 BLTTDS. Đồng thời, phải được gửi cho các đương sự, viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 3 ngày; kể từ ngày ra quyết định.

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án làm giấy triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa. Trương hợp nhận được yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng; hoặc người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa thì tùy trường hợp chánh án tòa án; hoặc viện trưởng viện kiểm sát sẽ xem xét quyết định.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán phải nghiên cứu lại hồ sơ vụ án để nắm vững nội dung vụ án và các yêu cầu cần giải quyết. Các hội thẩm cũng phải nghiên cứu hồ sơ vụ án khi tham gia xét xử.

Trường hợp viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 điều 21 BLTTDS thì tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thờii hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho tòa án.

Các công việc chuẩn bị xét xử nói trên cần phải được thực hiện đúng theo trình tự; thủ tục mà pháp luật quy định. Qua đó nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật và kịp thời; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tố tụng.

Mời bạn đọc xem thêm

Liên hệ Luật sư 247

Hy vọng những thông tin Luật sư 247 cung cấp hữu ích với bạn đọc!

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư 247 hãy liên hệ 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Hòa giải trong tố tụng dân sự là gì?

Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.

Quyền phản tố là gì?

Quyền phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự. Thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình; nhưng được xem xét; giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau. Nếu yêu cầu của bị đơn là một việc hoàn toàn không liên quan đến đơn khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn phải khởi kiện thành một vụ án dân sự mới

Chứng cứ là gì?

Tại Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân và cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định; và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án; cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

5/5 - (2 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Trả lời