Bịa đặt thông tin nhằm trả thù sẽ bị xử lý như thế nào?

30/12/2021
Bịa đặt thông tin nhằm trả thù, sẽ bị xử lý như thế nào
504
Views

Xin chào Luật sư, tôi có một câu hỏi mong muốn được luật sư giải đáp. Bạn gái cũ của tôi sau khi chia tay tôi đã có một số hành động nhằm trả thù tôi vì tôi là người chia tay trước. Cô ấy bịa đặt về tôi là trong thời gian còn yêu nhau, tôi có những hành vi bạo hành, làm nhục, hiếp dâm,… biến tôi thành người xấu và loan tin khiến mọi người tin là sự thật khiến tôi không thể tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tôi muốn hỏi Luật sư với hành vi bịa đặt thông tin nhằm trả thù tôi như vậy sẽ bị xử lý như thế nào và hình phạt là bao nhiêu. Xin cảm ơn Luật sư.

Cảm ơn bạn đã liên hệ với chúng tôi, Luật sư 247 xin tư vấn thông qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015

Nội dung tư vấn

Qua những chia sẻ của bạn, chúng tôi nhận thấy bạn gái cũ của bạn bịa đặt những thông tin sai sự thật về bạn. Rất có thể bạn gái sẽ đủ yếu tố cấu thành Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015.

Vu khống là gì?

Vu khống là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm danh dự của con người. Do vậy, luật hình sự Việt Nam quy định vu khống là tội phạm thuộc chương các tội xâm phạm tính mạng; sức khoẻ; nhân phẩm, danh dự của con người.

Theo Bộ luật hình sự năm 2015; hành vi vu khống có thể là hành vi tạo ra thông tin sai sự thật và loan truyền thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin sai sự thật. Hành vi vu khống cũng có thể chỉ là hành vi loan truyền thông tin sai sự thật do người khác tạo ra mặc dù biết đó là thông tin sai sự thật. Nội dung của thông tin sai sự thật thể hiện sự xúc phạm đến danh dự; uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dạng đặc biệt của vu khống là hành vi bịa đặt người khác; phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Đối với dạng hành vi này, tính nguy hiểm cho xã hội của tội vu khống phụ thuộc nhiều vào loại tội bị vu khống. Do vậy, Bộ luật hình sự đã quy định vu khống người khác; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội vu khống.

Yếu tố cấu thành tội vu khống

Mặt khách quan:

Mặt khách quan của Tội vu khống có các dấu hiệu sau:

– Về hành vi, người phạm tội vu khống có một trong ba dạng hành vi sau đây:

  • Bịa đặt: Hành vi này được thể hiện thông qua việc người phạm tội đưa ra những thông tin không đúng sự thật; bịa đặt thông tin nhằm trả thù đối phương; tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có với người khác. Hình thức đưa ra thông tin có thể ở các dạng khác nhau như truyền miệng; viết đơn, qua các phương tiện thông tin đại chúng,…
  • Loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật: Người phạm tội dù không bịa đặt nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền thông tin cũng có thể thể hiện đa dạng qua nhiều hình thức như: kể lại cho người khác nghe; đăng bài, chia sẻ bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng,…
  • Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Người phạm tội dù biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố cáo họ trước Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ( Công an, Viện Kiểm sát,…)

– Về hậu quả: Tội phạm không bắt buộc phải gây ra hậu quả trên thực tế.

Khách thể của tội phạm

Các hành vi nêu trên xâm phạm đến nhân phẩm; danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Hành vi của bạn gái là cố ý bịa đặt thông tin nhằm trả thù bạn trai cũ.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; tức là đáp ứng đủ hai điều kiện:

– Có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi;

– Đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm này: từ đủ 16 tuổi trở lên.

Hình phạt:

Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành ba khung, cụ thể như sau:

– Khung 1 (khoản 1): có mức hình phạt là phạt cảnh cáo; cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.

– Khung 2 (khoản 2): có mức phạt tù từ một năm đến bảy năm; được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

  • Có tổ chức (xem giải thích tương tự ở tội giết người);
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (xem giải thích tương tự ở tội làm nhục người khác);
  • Đối với nhiều người (từ hai người bị hại trở lên);
  • Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng; chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho chính người phạm tội […]

– Khung 3 (khoản 3): có mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; được áp dụng với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

  • động cơ đê hèn;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Làm nạn nhân tự sát.

– Hình phạt bổ sung (khoản 4): Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị: áp dụng hình thức phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Một số điểm cần lưu ý:

– Đối tượng bị vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người mà là con người cụ thể.

– Người phạm tội thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự.

– Thực tế có rất nhiều tin báo tố giác tội phạm do công dân, tổ chức cung cấp, nhưng qua điều tra xác minh Cơ quan điều tra xác định không có tội phạm xảy ra và đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

– Có trường hợp đơn tố giác tội phạm đã được đưa vào tiến trình tố tụng hình sự; nhưng sau đó Cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định đình chỉ vì không có tội – tức là sự tố giác tội phạm sai sự thật.

Giải quyết tình huống

Như đã trình bày ở trên, bạn gái cũ của bạn bịa đặt thông tin nhằm trả thù sẽ chịu mức hình phạt 3 tháng đến 2 năm tù. Cụ thể là điểm a khoản 1 điều 156. Tuy nhiên nếu thực tế điều tra, rất có thể bạn gái cũ sẽ phải chịu hình phạt 3-7 năm tù; với tình tiết định khung tại điểm a khoản 3: “Vì động cơ đê hèn“.

Việc bạn gái cũ của bạn phải chịu mức án bao nhiêu năm tù; trên thực tế còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên trước khi ra quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội; thẩm phán phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để ra bản án. Vì thế với những thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi không đủ căn cứ để đưa ra mức hình phạt đối với bạn trai cũ của bạn.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, hy vọng giúp ích cho bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi: 0833 102 102

Câu hỏi thường gặp

Vu khống người khác vì động cơ đê hèn là gì?

Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để vu khống là gì?

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống là hành vi vu khống do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi vu khống đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc vu khống; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc vu khống một cách dễ dàng.

Vu khống có tổ chức là gì?

Phạm tội vu khống có tổ chức là trường hợp có nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để vu khống được người khác. Vu khống có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phân công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc vu khống và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.