Bị ép sử dụng ma túy có phạm tội không?

19/12/2021
Bị ép sử dụng ma túy có phạm tội không?
1089
Views

Ma túy là một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội. Việc xử lý đối với người sử dụng ma túy cũng không còn xa lạ. Trên thực tế nhiều người bị ép buộc và sử dụng ma túy một cách không tự nguyện. Vậy người bị ép sử dụng ma túy có phạm tội không? Xử lý trong trường hợp này như thế nào? Hãy cùng Luật sư 247 tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.

Căn cứ pháp lý

Ma túy là gì?

Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Các chất này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tinh thần, sinh lý của người sử dụng và có thể dẫn tới tình trạng họ bị nghiện.

Danh mục các chất ma túy được quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ.

Bị ép sử dụng ma túy có phạm tội không?

Bộ luật hình sự hiện hành đã bãi bỏ tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy” do đó người sử dụng ma túy sẽ không bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng chất ma túy. Hay nói cách khác người sử dụng ma túy sẽ không phạm tội. Hơn nữa việc họ sử dụng ma túy là không tự nguyện nên cũng không có căn cứ để xem xét đối với họ.

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự 2015.

Khi xem xét một tội nào đó, cần phải phân tích cấu thành tội phạm của nó. Cấu thành tội phạm của tội trên bao gồm:

Mặt khách quan:

-Hành vi cưỡng bức

Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là cưỡng ép người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên căn cứ vào Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 giải thích hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

“Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.

Hậu quả: loại tội này không xem xét tới hậu quả của hành vi phạm tội để xác định tội phạm.

Khách thể:

Các hành vi phạm tội nêu ở trên xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các chất ma túy và gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm nêu trên với lỗi cố ý.

Chủ thể:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Ép người khác sử dụng ma túy bị xử lý như thế nào?

Dựa trên sự phân tích về cấu thành tội phạm của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì hành vi ép người khác phải sử dụng chất ma túy trái ý muốn của họ chính là một trong các hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó người này có thể bị xử lý hình sự với tội danh “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy”.

Hình phạt với người phạm tội

Căn cứ Điều 257 Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt sau:

  • Phạt tù từ 2 đến 7 năm đối với người thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội phạm.
  • Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Áp dụng đối với một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức

+ Phạm tội nhiều lần

+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi

+ Phạm tội đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi

+ Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai.

+ Phạm tội đối với người đang cai nghiện

+ Phạm tội đối với 2 người trở lên

+ Gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác

+ Tái phạm nguy hiểm.

  • Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người

+ Gây bệnh nguy hiểm cho hai người trở lên.

+ Phạm tội đối với người dưới 13 tuổi.

  • Phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân

Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội gây chết từ hai người trở lên.

  • Hình phạt bổ sung

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội các tội nêu trên còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “Bị ép sử dụng ma túy có phạm tội không?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Người có năng lực trách nhiệm hình sự là gì?

Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật hình sự 2015) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật hình sự 2015)

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tối thiểu là bao nhiêu?

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 thì người chịu trách nhiệm hình sự phải đạt từ 14 tuổi trở lên căn cứ vào loại tội phạm và tội mà người đó thực hiện.

Tội phạm nghiêm trọng là gì?

Theo Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 thì tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.